Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Yêu người tội lỗi như Chúa yêu

CHÚA NHẬT XXXI TNC
(Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)


Phêrô Trần Văn Hương


YÊU NGƯỜI TỘI TỖI NHƯ CHÚA YÊU

            Kính thưa cộng đoàn,
            Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ gia đình ra xã hội, người ta đều kỳ thị, ruồng bỏ và xa lánh người tội lỗi. Biết bao nhà tù, trại giam được xây lên để giam giữ người tội lỗi. Biết bao trường đào tạo, huấn luyện người để trừng trị người tội lỗi không một chút xót thương. Người tội lỗi quả thật đáng thương, họ bị loại trừ, bị khinh ghét, bị loại bỏ, bị coi như một đồ ghê tởm trong xã hội, trong gia đình. Có những gia đình, vì con hư, đã đăng tin từ bỏ con trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm như thế là chúng ta không học và làm theo Chúa Giêsu, Đấng đến và đi tìm người tội, yêu người tội lỗi, đem ơn cứu độ đến cho người tội lỗi.
Tin mừng hôm nay, Thánh Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện về người tội lỗi là ông Gia-kêu, được Chúa đến, gọi và ở lại tại nhà ông và “ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Kính thưa cộng đoàn, tại sao người thu thuế lại bị liệt kê vào hạng người tội tỗi. Theo truyền thống đạo Do thái, có bốn hạng người bị tẩy chay, xa lánh, coi là người tội lỗi:
            - Người thu thuế: là người phản quốc, phản đạo; cộng tác với quân xâm lược.
            - Người Samari: là con cái của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng lai với người ngoại, kể từ thời vua Át-sua là San-ma-ne-xe xâm chiếm Samari vào thế kỷ thứ VIII trước công nguyên (722-721).
            - Người ngoại: không cùng tôn giáo, không cùng dân tộc.
            - Gái điếm: ai cũng biết về hạng người này
Tại Việt Nam cũng coi những hạng người thuộc vào Tứ Đổ Tường (tửu, sắc, đổ, yên): cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách, là những người tội tỗi. Ngoài ra, những người chứa bài, chủ nhà thổ..cũng bị lên án.
Chính trong đạo Công giáo, những người bỏ lễ Phục Sinh, người chết không được xức dầu…cũng bị coi là những người tội lỗi.
            Chúng ta cùng nhìn lại thời Cựu ước để thấy thái độ con người thời đó đối với người tội lỗi như thế nào?           
Thời này, người ta dựa vào thế giá của các ngôn sứ…để đối xử với nhau, có thể nói như là một kim chỉ nam để con người sống tốt với nhau, một luật rất nhân bản so với cùng thời, như tư tưởng: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21, 24).
Nhưng cho dù là như vậy, thái độ đối với người tội lỗi rất xa lánh, ghét bỏ, tìm mọi cách loại trừ, như tinh thần của tác giả thánh vịnh nói:
“Mỗi buổi mai con lại diệt trừ
Cho hết phường ác nhân trong xứ sở,
Hầu quét sạch khỏi thành đô Chúa
Bọn làm điều ác, chẳng sót một tên”.
                                                                             (Tv 100,8)
            Đến thời Tân ước, khi Chúa Giêsu đến, Ngài kiện toàn để luật đó trở nên trọn hảo, đó là luật yêu thương; yêu thương hết mọi người, yêu cả người tội lỗi, yêu thương cả người không yêu thương mình, yêu thương kẻ ghét mình, yêu chính kẻ thù của mình. Vâng, Chúa đến, Chúa đã nêu gương, đã làm, đã kiện toàn, đã sửa sai, nhưng con người chúng ta thì vẫn làm ngược lại. Tìm mọi cách để giệt trừ hết bọn ác nhân trong xứ sở.
Ba năm rao giảng công khai, Chúa không chỉ đi tìm, không chỉ yêu thương và chữa lành nhưng con người bệnh tật về thể xác, mà Người cũng luôn luôn đi tìm, đê yêu thương và chữa lành cả những người tội lỗi phần hồn. Ngài dám bỏ chín mươi chín con chiên lại để đi tìm một con chiên lạc. Ngài dám để mất đi danh dự, sự yêu mến của đồng bào để bênh vực người đàn bà ngoài tình. Ngài dám đánh đổi lòng yêu quý của những người hâm mộ để vào nhà ông thu thuế, cùng ngồi ăn với họ. Và hôm nay, Ngài dám hy sinh cả danh tiếng, uy tín của mình để đến với người tội lỗi là ông Gia-kêu.
Tin mừng kể rằng: Ông Gia-kêu là trưởng cục thu thuế thành Giê-ri-cô, đứng đầu những người thu thuế, chỉ lo thu tích của cải cách bất chính, như thế, chắc chắn ông giàu lắm. Nhưng ông bị đồng bào khinh ghét, loại ra khỏi cộng đồng, bị liệt vào những người tội lỗi, là người bán lương tâm để lấy tiền, ông giống như người làm điếm. Ông đã gặp được Chúa, Chúa đã nhìn thấy ông, vào ngự tại nhà ông. Tai sao vậy?
Ông chưa gặp Chúa một lần nào, nhưng chắc đã nghe đồn về Chúa rất nhiều, nên ông say mê Chúa và coi Chúa như thần tượng (giống như các bạn trẻ say mê thần tượng của mình). Hơn nữa, chắc chắn ông biết Chúa không kỳ thị người thu thuế, Chúa không nhìn ông giống như mọi người nhìn về ông, bởi trong nhóm các tông đồ cũng có một người thu thuế là Mát-thêu.
Nghe tin Chúa lên Giêsusalem và đi qua Giê-ri-cô, ông tìm mọi cách để gặp Chúa. Vì thấp bé, ông đã trèo lên cây sung để nhìn Chúa khi Ngài đi ngang qua. Chúa ngước nhìn, một cái nhìn thân thiện, có sức cảm hóa tâm hồn ông. Một ánh mắt nhân từ không thấy tội gì nơi ông. Một cái nhìn đầy sự chân tình và yêu thương đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mời cuộc đời. “Này anh Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Quá bất ngờ, một sự bất ngờ ông không bao giờ dám nghĩ đến. Chỉ một ước mơ nho nhỏ làm sao nhìn thấy Đức Giêsu, Người đã mở mắt cho anh mù Bác-ti-mê là người như thế nào thôi. Ước mơ và niềm khao khát thấy Chúa, được Chúa bù đắp quá lớn bằng việc chữa lành và mở mắt tâm hồn ông. Nhờ thế, ông đã nhìn thấy con người bất toàn và tội lỗi của mình.
Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả, nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Niềm vui đã òa vỡ lên trong tâm hồn và con người ông, ông đã quá vui mừng và hứa vơi Chúa: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Kính thưa cộng đoàn,
Qua bài Tin mừng này, Chúa muốn nói với chúng ta rằng:
Chúa đã yêu thương người tội lỗi, không phân biệt, không khinh ghét, không loại bỏ khỏi cộng đoàn thì chúng ta cũng hãy làm như vậy. Bởi trong con người tội lỗi luôn có phần tốt và phần xấu. Nhưng phần tốt đã bị phần xấu chèn ép và chưa có cơ hội để phát huy. Giống như Gia-kêu, khi gặp được Chúa, ông đã phát huy hết những phần tốt của mình. Chúng ta cũng hãy tìm và tạo cơ hội cho những người tội lỗi, để giúp họ gặp được Chúa, nhờ thế họ sẽ trở thành người yêu mến Chúa và sẵn sàng hy sinh cho Chúa.
Và khi yêu người tội lỗi, Chúa luôn là người chủ động đi bước trước đến tìm và gặp họ, đối thoại với họ. Chúng ta hãy noi gương Chúa, đừng xa tránh, ghét bỏ và loại trừ họ, hãy đến với họ, thông cảm với quá khứ tội lỗi, mở ra một tương lai tương sáng cho họ vì “không có thánh nhân nào mà không có quá khư, không có tội nhân nào mà không có tương lai”.
Sau hết, để gặp được Chúa, mỗi chúng ta phải lên đường tìm Chúa. Giống như Gia-kêu, ông thao thức và ước ao nhìn thấy Chúa, nên ông đã gặp được Ngài. Và khi nghe thấy tiếng Chúa, “ông vội vàng tụt xuống” đáp lại tiếng Chúa gọi và vui mừng đón rước Chúa vào nhà. Chúng ta cũng hãy đứng lên, đến với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ tới gặp Chúng ta, sẽ đến và ngự lại trong ta.


                                               Sơn Tây, ngày 10 tháng 10 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates