Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Chuẩn bị Giáng sinh: Hãy để Chúa đến gặp chúng ta (sưu tầm)

Chuẩn bị Giáng sinh: Hãy để Chúa đến gặp chúng ta
WHĐ (03.12.2013) – Chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy mở lòng ra để gặp Chúa Đấng đổi mới mọi sự.
Trong bài giảng Thánh lễ thứ Hai Tuần I Mùa Vọng tại nhà nguyện trong Nhà khách Santa Marta, Đức Thánh Cha nhắc nhởrằng chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh là đi vào cuộc hành trình của đức tin và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa. Bởi vì Giáng sinhkhông chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh là điều gì đó hơn thế. Giáng sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta.Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta”.
Nhưng sống đức tin không phải điều dễ dàng. Nói về viên quan đại đội trưởng trong bài đọc đã có niềm tin lớn lao khi xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta giống như viên quan này trong hành trình đức tin đếngặp Chúa để cho Chúa gặp mình”.
Khi chỉ có chúng ta đến gặp Chúa, có thể nói chúng ta là chủ nhân của cuộc gặp gỡ; nhưng nếu chúng ta để cho Chúa đến gặp chúng ta, chính Người sẽ bước vào cuộc đời chúng ta, chính Người đổi mới chúng ta, và đó là ý nghĩa của việc Chúa Kitô đến: Người đổi mới tâm hồn, cuộc sống, niềm hy vọng của chúng ta.
Với niềm tin –như của viên quan đại đội trưởng– chúng ta lên đường gặp Chúa chính là để Chúa gặp chúng ta.
Không phải lúc nào Chúa cũng nói với chúng ta điều chúng ta muốn nghe, nhưng Người sẽ nói với tôi điều quan trọng đối với tôi“vì Chúa không nhìn chúng ta theo đám đông, Người nhìn vào khuôn mặt, vào đôi mắt của từng người trong chúng ta. Tình yêu của Chúa không phải là một tình yêu trừu tượng, tình yêu ấy cụ thểChúa nhìn tôi một cách cá nhânVà để cho Chúa gặp chúng ta có nghĩa là để cho Chúa yêu thương chúng ta”.
(Theo Vatican Radio)

Minh Đức

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

học hỏi sứ điệp truyền giáo thế giới 2013

MƯỜI CÂU HỎI ĐÁP VỀ SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO 2013

Câu 1: Đức Thánh Cha đã đưa ra những xác tín nào về đức tin ?
Trả lời : Đức Thánh Cha đã đưa ra 3 xác tín về đức tin
Xác tín 1: Thiên Chúa yêu thương con người! Và đức tin là một hồng ân quý giá do Thiên Chúa yêu thương ban tặng. Từ đó có thể thấy bốn hệ quả quí giá của Đức tin : làm cho con người có thể (1) biết Chúa, (2) yêu mến Chúa, (3) được thông phần vào sự sống của Chúa, (4) và làm cho cuộc đời con người được ý nghĩa hơn, tốt lành hơn và đẹp đẽ hơn.
Xác tín 2: mỗi cá nhân phải đón nhận đức tin qua
- Lòng can đảm phó thác vào Chúa,
- Việc sống tình yêu của Chúa,
- Lòng biết ơn đối với lòng thương xót vô biên của Chúa.
Xác tín 3: đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ, vì 2 lý do:
- Chia sẻ đức tin để mọi người đều có thể cảm nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu độ;
- Nếu không chia sẻ đức tin, khi đó chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, không sinh hoa quả và bệnh tật.

Câu 2: Mối tương quan giữa đức tin và việc truyền giáo là gì ?
Trả lời : Trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, trong cộng đoàn Giáo Hội, chính là hệ quả của niềm tin vào Chúa Giêsu, yêu mến Ngài và bước theo Ngài. Từ đó, Đức Thánh Cha đã đưa một khẳng định để nói lên mối tương quan giữa đức tin và việc truyền giáo: “Việc rao giảng Tin Mừng không thể tách ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô”. Có hai lý do giải thích sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và việc truyền giáo:
“Lòng nhiệt thành truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đoàn Hội Thánh” (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 95). Là cộng đoàn “kitô hữu trưởng thành”:
* Khi tuyên xưng và cử hành đức tin
* Khi sống đức tin qua đức ái
* Khi đem Lời Chúa (loan báo đức tin) cho những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô.
- Sự vững chắc của đức tin của chúng ta, ở mức độ cá nhân và cộng đồng, được đo lường
* Bằng việc truyền thông đức tin cho người khác,
* Bằng việc làm chứng đức tin trong đức ái cho những người mà chúng ta gặp gỡ.

- Số 2 -
Câu 3: Theo Đức Thánh Cha, truyền giáo là gì ? Và là nhiệm vụ của ai ?
Trả lời : Theo Đức Thánh Cha, truyền giáo là « mở rộng ranh giới của đức tin”. Ranh giới này liên quan đến lãnh vực (1) địa lý, (2) truyền thống văn hoá của các dân tộc và (3) tâm hồn của mỗi con người.
Truyền giáo là nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn Kitô hữu: “Vì Dân Thiên Chúa sống trong những cộng đoàn, đặc biệt là các giáo phận và giáo xứ, và chính trong những cộng đoàn này mà một cách nào trở nên hữu hình trong chúng, cho nên những cộng đoàn ấy cũng phải làm chứng cho Đức Kitô trước mặt muôn dân” (Sắc Lệnh Ad Gentes, số 37).

Câu 4: Nhiệm vụ truyền giáo của mỗi thành phần Dân Chúa như thế nào ?
Trả lời : Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục, các linh mục, các Hội đồng linh mục và mục vụ, mỗi người và mỗi nhóm có trách nhiệm trong Hội Thánh :
hãy đặt tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo lên hàng đầu trong các chương trình mục vụ và đào tạo,
- vì 2 lý do:
(1) việc dấn thân làm tông đồ sẽ không trọn vẹn nếu không bao gồm ý định “làm chứng về Đức Kitô trước mặt muôn dân”.
(2) truyền giáo không chỉ là một chiều kích  mang tính chương trình tạm thời trong đời sống của người Kitô hữu, mà phải là một chiều kích cơ cấu chi phối toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống người Kitô hữu.

- Số 3 -
Câu 5: Những trở ngại đối với việc Truyền giáo là gì?
Trả lời : Khi truyền giáo, chúng ta đương đầu với những trở ngại bên trong và bên ngoài.

a) Trở ngại bên trong:
- Trở ngại bên trong xuất hiện khi lòng nhiệt thành, niềm vui, lòng can đảm, và hy vọng của chúng ta trở nên suy yếu khi “rao giảng sứ điệp của Đức Kitô cho mọi người và giúp con người thời đại gặp gỡ Đức Kitô”.

b) Trở ngại bên ngoài:
- Trở ngại bên ngoài xuất hiện khi một số người cho rằng “việc rao truyền Chân Lý Tin Mừng là vi phạm đến tự do”. Trả lời cho vấn đề này, Đức Phaolô VI đã nói thật rõ trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 80: “Thật là ... một sai lầm khi áp đặt một điều gì đó trên lương tâm của anh em chúng ta. Nhưng lại là một chuyện khác khi đề nghị Chân Lý Tin Mừng và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô cho lương tâm của họ một cách rõ ràng, đầy đủ và trong sự hoàn toàn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của họ ... chính là một cống hiến cho tự do”.

Câu 6: Những hỗ trợ cho sứ vụ Truyền giáo là gì?
Hai niềm xác tín sau đây sẽ hỗ trợ cho sứ vụ truyền giáo:
- Xác tín về sứ vụ truyền giáo đến từ Chúa: Chúa Giêsu đến giữa chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường cứu độ, và trao phó cho chúng ta sứ vụ làm cho mọi người biết con đường ấy, cho đến tận cùng trái đất. Xác tín này giúp chúng ta luôn luôn có can đảm và niềm vui để đề nghị, một cách tôn trọng, cuộc gặp gỡ Đức Kitô.
- Xác tín về sự hỗ trợ của Giáo Hội: Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ lập lại:
+ Không bao giờ được quên một nguyên tắc cơ bản: “không thể rao gảng Đức Kitô mà không có Hội Thánh”.
+ Truyền giáo không bao giờ là một hành động cô lập, cá nhân hay riêng tư, nhưng luôn luôn là hành động của Hội Thánh. Đức Phaolô VI đã viết rằng “khi một nhà giảng thuyết, một giáo lý viên hay một Mục Tử vô danh nhất, trong các vùng đất xa xôi nhất, rao giảng Tin Mừng, tập họp cộng đồng nhỏ của mình hoặc một cử hành một bí tích, thậm chí một mình, nó vẫn là một hành động của Hội Thánh.” Đó “không phải vì sứ vụ mà người ấy tự gán cho mình, hay bởi cảm hứng riêng, nhưng trong sự hiệp nhất với sứ vụ của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 60).
Xác tín này bồi thêm sức mạnh và làm cho tất cả các nhà truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cảm thấy mình không bao giờ cô đơn, nhưng là một phần tử của một thân thể, được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.

- Số 4 -
Câu 7: Sứ vụ Truyền giáo phải đối diện với thực trạng nào của xã hội hôm nay?
Trả lời : Đức thánh cha trình bày 5 thực trạng của xã hội hôm nay mà sứ vụ truyền giáo phải đối diện:
* Thực trạng 1 : Hôm nay, (1) việc di chuyển dễ dàng (di dân vì công ăn việc làm, du lịch…), (2) “những phương tiện truyền thông mới”, (3) những trao đổi chuyên môn và văn hóa, đã làm mọi người, kiến thức và kinh nghiệm hòa trộn lẫn vào nhau, từ đó tạo ra những di chuyển lớn của con người. Ví dụ như đối với những cộng đoàn giáo xứ, cũng rất khó để biết ai là những người qua lại hoặc ai sống ổn định trong giáo xứ.
* Thực trạng 2 : Trong những vùng trước kia theo truyền thống Kitô giáo, đang gia tăng số người xa lạ với đức tin, hoặc thờ ơ với bình diện tôn giáo (một số người đã được rửa tội nhưng lại chọn lựa những cách sống dẫn họ xa đức tin), hoặc được khích lệ bởi những niềm tin khác. Vì thế, cần phải biến họ thành đối tượng của một “cuộc Tái Phúc Âm Hóa.”
* Thực trạng 3 : Một phần lớn nhân loại chưa được biết Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
* Thực trạng 4 : Những khủng hoảng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm, môi trường, và cả về những lĩnh vực liên quan đến
ý nghĩa sâu xa hơn về đời sống và những giá trị cơ bản đang tác động trên cuộc sống.
* Thực trạng 5 : Những căng thẳng và xung đột trong cuộc sống gây ra những bất ổn và khó khăn trong việc tìm con đường dẫn đến một nền hòa bình vững bền.

Câu 8: Trước những thực trạng xã hội nói trên, Đức Thánh Cha nói gì về truyền giáo?
Trả lời : Trước những thực trạng xã hội nói trên, Đức Thánh Cha nhắc đến 3 điểm:
1/ Sự cấp bách của Truyền giáo : Trong tình huống phức tạp này, với hiện tại và tương lai đáng lo ngại, việc can đảm đem Tin Mừng của Đức Kitô vào mọi thực tại còn cấp bách hơn nữa,
2/ Lợi ích của Truyền Giáo:
+ Tin Mừng là một thông điệp hy vọng, hòa giải, hiệp thông, một công bố về sự gần gũi của Thiên Chúa, về lời rao giảng rằng quyền năng của tình yêu Thiên Chúa có thể thắng vượt bóng tối sự dữ và dẫn đưa chúng ta trên con đường tốt lành.
+ Chỉ cuộc gặp gỡ Đức Kitô mới có thể cung cấp cho con người thời đại một ánh sáng chắc chắn chiếu soi con đường của mình.
3/ Cách thức Truyền Giáo:
+ Mang đến cho thế giới niềm hy vọng mà đức tin mang lại, qua chứng từ và tình yêu của chúng ta.
+ Đặc tính truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc cải đạo, nhưng là một chứng từ của đời sống; chứng từ này chiếu sáng đường đi và mang lại hy vọng và tình yêu.
+ Một lưu ý: Hội Thánh không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO), nhưng là một cộng đoàn của những người, (1) được sinh động hóa bởi tác động của Chúa Thánh Thần, (2) đã sống và đang sống sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và (3) muốn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu xa, chia sẻ Sứ Điệp cứu độ mà Chúa đã ban cho chúng ta. (4) Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn Hội Thánh trên con đường này.

Số 5
Câu 9: Đức Thánh Cha đã có lưu tâm đặc biệt gì đối với việc truyền giáo hôm nay?
Trả lời : Đức Thánh Cha đã có 3 lưu tâm đặc biệt :
1/ Đối với những Hội Thánh có truyền thống Kitô giáo cổ xưa: Những nhà truyền giáo có thể trở thành một con đường dẫn đến một sự “khôi phục lại” của đức tin, bằng cách mang sự tươi mát của các Hội Thánh trẻ đến cho các Hội Thánh có truyền thống Kitô giáo cổ xưa và như vậy giúp các Hội Thánh này tái khám phá ra lòng nhiệt thành và niềm vui được chia sẻ đức tin trong một cuộc trao đổi làm phong phú lẫn nhau trên cuộc hành trình đi theo Chúa.
(2) Đối với các Hội Thánh trẻ: đang quảng đại gửi các nhà truyền giáo đến các Hội Thánh đang gặp khó khăn – trong đó có những Hội Thánh có truyền thống Kitô giáo cổ xưa – và như thế mang sự tươi mát cùng nhiệt tình khi sống đức tin, là đức tin canh tân đời sống và mang lại niềm hy vọng. Những nhà truyền giáo này là một trong những thể hiện chương trình “Hồng ân đức tin” (Fidei Donum).
(3) Đối với các Hội Thánh đang gặp khó khăn:
- Họ là các Kitô hữu ở các vùng khác nhau đang gặp khó khăn liên quan đến việc công khai tuyên xưng đức tin của họ và quyền được sống đức tin một cách xứng đáng.
- Họ là những chứng nhân can đảm - còn đông hơn các vị tử đạo của những thế kỷ đầu tiên – là những người đang chịu với lòng kiên trì tông đồ nhiều hình thức bách hại đương thời khác nhau.
- Nhiều người thậm chí liều thân để vẫn còn trung thành với Tin Mừng của Đức Kitô. Đức Thánh Cha muốn đảm bảo rằng bằng lời cầu nguyện, ngài đang gần những cá nhân, những gia đình và những cộng đoàn đang chịu đựng bạo lực và sự thiếu khoan dung, và ngài nhắc lại với họ những lời an ủi của Chúa Giêsu: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33).

Câu 10:
Sau cùng Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với tất cả chúng ta điều gì nhân dịp ngày Khánh Nhật Thế giới Truyền Giáo 2013?
Trả lời : Đối với tất cả mọi người dịp ngày Khánh Nhật Thế giới Truyền Giáo 2013:
- Đức Thánh Cha đã nhắc lại niềm xác tín : “Chớ gì Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Thes 3:1).
- Đức Thánh Cha cầu chúc: “Năm Đức Tin này làm cho mối liên hệ của chúng ta với Đức Kitô mỗi ngày một bền vững hơn, vì chỉ trong Người mới có sự chắc chắn để nhìn về tương lai và đảm bảo một tình yêu chân thật và trường cửu” (Tông Thư Porta Fidei, s. 15).

- Cuối cùng Đức Thánh Cha ưu ái (1) chúc lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những ai đồng hành và hỗ trợ quyết tâm cơ bản này của Hội Thánh để lời loan báo của Tin Mừng được vang dội khắp nơi trên trái đất, (2) chớ gì những thừa tác viên của Tin Mừng và những nhà truyền giáo càm nghiệm được “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, s. 80).

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Ngày Chúa đến bất ngờ

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A
(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)


Phêrô Trần Văn Hương

NGÀY CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ
           
            Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội bước vào năm Phụng vụ mới, với hành trình mới, hành trình của đức tin. Khởi đầu cho năm phụng vụ là Mùa vọng, được kéo dài trong bốn tuần lễ. Đây là thời gian đặc biệt Giáo hội mời gọi con cái mình mừng kỷ niệm biến cố Chúa Nhập Thể làm người, mặc lấy xác phàm, trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, và đặc biệt mời gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Chúa quang lâm. Đó là hai ý nghĩa chính trong mùa vọng.
            Thực tế, nhiều khi chúng ta lầm tưởng Mùa vọng là mùa chỉ mong chờ Lễ Giáng Sinh, cho nên bắt đầu bước vào Mùa vọng, các giáo xứ, giáo họ, các gia đình, bắt đầu lên chương trình cho việc tổ chức mừng lễ thật hoành tráng, linh đình; làm sân khấu, tập múa hát, tập kịch, trang trí đèn điện, viết thiệp chúc mừng…. Mọi cộng việc đã làm cho chúng ta quên đi phần quan trọng và chính yếu của Mùa vọng là mong chờ Chúa đến. Bởi thế, công việc chúng ta cần chuẩn bị hơn, là trang hoàng tâm hồn, sửa soạn con tim, để sắn sàng đón chờ Chúa đến.
            Chúa đến, Ngài sẽ ban cho chúng ta một tương lai, một tương lại thật tốt đẹp và hạnh phúc. Tương lai đó đã được tiên tri Isaia tiên báo trong bài đọc thứ nhất: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi” (Is 2,2). Nhờ đức tin: “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp” (Is 2, 2-3). Tại nơi đây, Thiên Chúa sẽ dạy cho ta biết lối của Người và để ta bước theo đường Người chỉ vẻ. Khi toàn dân quy tụ về bên Chúa, Ngài sẽ đứng ra để làm trọng tài, phân xử công mình cho mọi quốc gia.  Một cuộc sống thái bình, thinh vượng cho những ai nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa: “ Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.      Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).
Ngày bình an và hạnh phúc sẽ đến, chắc chắn là sẽ đến, những đến khi nào, lúc nào và ở đâu, quả thực không ai biết. Bởi thế, Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, đã dạy chúng tả phải biết canh thức và sẵn sàng vì:
Ngày ấy sẽ đến một cách bất ngờ giống như thời ông Nô-ê. Ngài biết con người ở thời của Ngài và của mọi thời đại, chỉ thích sống hưởng thụ, lo làm giàu, sống tiện nghi, lo cưới vợ gả chồng…chỉ lo cho những chuyện thế tục, không biết đến ngày Chúa quang lâm. Đức Giêsu nói:  “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy” (Mt 24,37-39). Qua câu chuyện này, Đức Giêsu cho ta thấy sự khác nhau giữa thiên hạ và ông Nô-ê ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Thiên hạ bị nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết, còn ông Nô-ê đã chuẩn bị sẵn cho mình những điều cần thiết khi cơn nước lũ đến.
Ngày Chúa đến không ai biết, và đến một cách bất ngờ, giống như chủ nhà kia không biết tên trộm đến vào giờ nào. Nếu biết  trước giờ nào kẻ trộm đến, thì chắc chắn không để cho tên trộm khoét vách vào nhà mình. Vậy, chúng ta phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng khi Chúa đến với mỗi người chúng ta, là ngày chúng ta không còn ở trần gian này.
Trước hết, chúng ta hãy có một cuộc tỉnh thức và cảnh giác. Vì không tỉnh thức và cảnh giác, chúng ta sẽ rước tai họa vào mình. Tên trộm trong câu chuyện Đức Giêsu kể, sẽ đến cách bất ngờ không báo trước. Điều bất ngờ sẽ làm cho gia chủ mất cảnh giác, không để ý tới, đây chính là lúc thuận tiện để tên trộm hành động. Nói đến việc phải sống cảnh giác, đôi khi làm chúng ta hiểu lầm Chúa giống như tên trộm. Khi chúng ta sống không cảnh giác thì Chúa sẽ đến. Không phải như thế, mà Chúa muốn chúng ta phải luôn luôn sống trong sự sẵn sàng, đợi ngày Chúa đến bất cứ lúc nào, khi nào. Vì Chúa đến sẽ đem niềm vui, sự bình an. Chúa không đến để làm cho chúng ta phải đau khổ và sợ hãi, như tên trộm.
Tiếp đến, chúng ta phải luôn có thái độ sống ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, giây phút chúng ta đang sống đây là giây phút cuối cùng của cuộc đời. Vì thái độ sống của con người hôm nay, luôn cho rằng chúng ta còn nhiều thời gian, cứ từ từ, ngày mai sẽ tính. Bây giờ cứ sống cho thoải mái, ăn chơi cho thỏa thích, khi nào sắp chết hãy tính; Chỉ cần ăn năn xứng tội, là Chúa sẽ tha hết. Nhưng cuộc sống không ai học được chữ ngờ, chúng ta chỉ biết được ngày sinh ra, nào ai biết được ngày mình sẽ chết.
Lịch sử có ghi lại câu chuyện sau đây, phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói: “Để mai sẽ hay”. Và đêm hôm đó ông bị giết chết.
Vị pháp quan Archais đã bỏ qua sứ điệp ấy sang một bên vì ông không ngờ rằng mình sắp chết. Nếu chúng ta không muốn giống như vị pháp quan đó, chúng ta phải làm gì?
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa đã báo trước rằng: ngày Chúa đến rất bất ngờ, không ai biết. Cho nên, chúng ta cũng phải sẵn sàng, tỉnh thức để đón chờ ngày đó, qua việc năng đọc kinh, tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa hằng ngày. Chỉ có như thế, chúng ta mới mong được Chúa ban thưởng Nước trời, là quê hương đích, nơi sự bình an, hạnh phúc viên mãn đang chờ đợi chúng ta. Amen.



                                               Sơn Tây, ngày 26 tháng 11 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục

                                                                            Đã ký


Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Chân dung Cha Phêrô DOÃN QUANG NGỌC (1902–1995)

Cha Phêrô DOÃN QUANG NGỌC (1902–1995)

TIỂU SỬ:
– Sinh 1902 tại họ giáo Vĩnh Thọ, giáo xứ Bách Lộc (nay là giáo xứ Vĩnh Thọ), xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội).
– 1917: vào trường tập Hưng Hóa.
– 1919: học Tiểu chủng viện Hà Thạch.
– 1925: mãn Tiểu chủng viện, giúp cha Giuse Đặng TâmThuần ở giáo xứ Dư Ba.
– 1927: học triết và thần học tại Kẻ Sở (Sở Kiện)
– 01/4/1933: thụ phong linh mục tại TGM Hưng Hóa.
– 1933-1938: phó xứ Hà Thạch, giúp cha Lê Khanh.
– 1938-1947: chánh phiên Trù Mật, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ.
– 06/8/1947-28/11/1995 chánh xứ Chiêu Ứng, xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
– 28 tháng 11 năm 1995: qua đời.
CHÂN DUNG:
1. Yêu thương đoàn chiên:
– Chấp nhận hy sinh
Chúa Giêsu đã phán: “Ta là mục tử tốt lành ... Ta thí mạng sống vì đoàn chiên”. Theo sát vị mục tử Giêsu, cha già Phêrô đã thốt lên: “Vì yêu giáo dân mà tôi ở lại miền Bắc” (sau năm 1954). Ở lại miền Bắc lúc đó, các linh mục phải chấp nhận cảnh đấu tố, giam cầm. Cha bị giam ở chuồng trâu của một người lương dân xóm Hồng Sơn (xã Sơn Cương) mấy tháng, rồi bị đấu tố ở Chiêu Ứng, sau đó còn bị điệu đi Đồng Xa, Đại An, Trù Mật để cho chính những người đã được cha già cưu mang vu oan cáo vạ!
Thế nhưng sau vụ đấu tố đó, những giáo dân này vẫn được cha già yêu thương, tin dùng và nâng đỡ. Có người hỏi: “Sao cha vẫn dùng họ?” Ngài trả lời: “Họ nhẹ dạ, họ mắc mưu, chấp làm gì!”
– Chấp nhận gánh nặng
Một số cha trẻ di cư vào Nam, một số cha già được Chúa gọi về dần, các chủng viện bị đóng cửa, các giáo xứ dần dần vắng bóng chủ chăn. Cha già Phêrô là cha xứ Chiêu Ứng, nhưng đồng thời phải coi sóc giáo dân tận Lào Cai, Sapa... cách xa ba bốn trăm cây số, trong khi phương tiện giao thông chỉ là một chiếc xe đạp super globe. Vào những năm cuối đời, dù đã tám chín mươi tuổi rồi, cha vẫn còn phải coi sóc thêm những giáo xứ lân cận như Phi Đình, Trù Mật, Vân Thê... trên mười ngàn giáo dân.
– Xây dựng đức tin và cơ sở vật chất
Coi sóc nhiều như vậy, cha già không những đến dâng lễ, ban các bí tích, mà còn lo xây dựng đức tin và cơ sở vật chất nữa. Tất cả những nơi cha già coi sóc đều được chính ngài ra chương trình học, ôn thi kinh bổn (giáo lý) mỗi năm hai kỳ vào dịp Lễ Phục sinh và Lễ Các thánh.
Các hội đoàn như Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Phêrô, Hội Thánh Antôn... do ngài thành lập vẫn sinh hoạt đều đặn. Riêng nơi cha già trông coi, các cuộc rước hoa, rước Thánh Thể vẫn tổ chức rất long trọng.
Các nơi thờ tự trong địa bàn cha già coi sóc vẫn được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới, trong khi tại các xứ khác bị phá hủy hoặc không được tu sửa.
2. Bác ái xã hội:
Với tinh thần quảng đại, tha thứ và yêu thương phục vụ, cha già Phêrô còn tích cực hỗ trợ nhiều nơi xây dựng trường sở rộng rãi cho con em học văn hóa, như trường phổ thông cơ sở Sơn Cương, trường Ninh Dân thuộc huyện Thanh Ba, trường Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ.
Những gia đình nghèo khổ luôn được cha quan tâm đặc biệt: cha giúp họ tiền đong gạo, cha không nhận bổng lễ khi  họ đến xin cha làm lễ. Suốt đời cha không sắm cho mình một vật gì sang trọng; cha thường nói: “Chúa Giêsu sống nghèo, tôi cũng sống nghèo; Chúa Giêsu bênh vực người nghèo, tôi cũng đi với người nghèo.”
3. Tinh thần kỷ luật:
Nói đến tinh thần kỷ luật của cha già là phải nói đến việc giữ giờ giấc: giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc trí óc, giờ lao động chân tay, giờ dâng lễ, giờ cầu nguyện; sáng, trưa, tối, mùa hè oi bức cũng như mùa đông giá lạnh, không khi nào cha sai giờ. Điều đáng khâm phục là khi ngài báo giờ lễ ở một nơi nào, dù xa xôi (như Đồng Xa, Trù Mật) mà không thể đi xe được vì thời tiết quá xấu, ngài quàng áo mưa, chống gậy đi bộ cho kịp giờ đã định.
Có thể nói, trong các linh mục còn ở lại miền Bắc, cha già Phêrô là người có tuổi linh mục cao nhất: 62 năm, 7 tháng, 27 ngày. Và cũng có thể nói, trừ những tháng bị giam giữ năm 1954, ngài đã không bỏ một thánh lễ nào. Sáng ngày 28 tháng 11 năm 1995, ngài dâng thánh lễ cuối cùng, sau đó thấy mệt, tuy được các y bác sĩ điều trị, nhưng tối hôm đó ngài đã an nghỉ trong Chúa.


GP Hưng Hóa

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua
Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan : "Homo homini lupus" : con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.
Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên : lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình ? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết ; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.
Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy ? Thưa vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người : tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau ; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.
Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau ; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, Đức Giáo Hoàng coi đó là chấm dứt chiến tranh.

CHÚA GIÊSU VUA CÁC VUA

Chúa Nhật Tuần XXXIV TNC - Lễ Chúa Kitô Vua
Lời Chúa: Lc 23,35-43

35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!" 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do Thái."

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" 40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" 43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

suy niệm: 

            CHÚA GIÊSU VUA CÁC VUA
           
           
Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến trong hy vọng, sốt sáng và hân hoan. Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ này, chúng ta cùng toàn thể Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu là Vua; Ngài là Vua trên các vua, là vua vũ trụ, Vua muôn loài thụ tạo. Mừng lễ Chúa Giêsu là Vua, chúng ta cùng nhau tìm hiểu tước vị làm Vua của Ngài dựa trong ba khía cạnh, dựa vào ba bài đọc trong thánh lễ: Đức Giêsu là Vua vũ trụ, Đức Giêsu Vua tình thương và Đức Giêsu vua của mỗi tâm hồn chúng ta.
            Trước hết, Đức Giêsu, vua vũ trụ. Ngài là vua vũ trụ, là vua cả trần gian, vua cả nhân loại. Trên thế giới, chúng ta nghe nói đến nhiều vị vua: Ở Châu Âu: Vua Nước Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan…ở Châu Á: vua nước Nhật Bản, Thái Lan... Châu Phi: vua nước Maroc…Châu Úc: vua nước Tonga…Tất cả các vị vua này đều có lãnh thổ, có triều đình, có quân đội để cai trị. Ngoài ra, chúng ta cũng còn nghe nói đến nhiều vị vua khác không nhất thiết phải có lãnh thổ, có triều đình như: “vua dầu lửa”, “vua xe hơi”, “vua bóng đá”, “vua tốc độ”…
Còn Đức Giêsu thì sao? Đức Giêsu được gọi là vua, Ngài là vua vũ trụ, vua của toàn thể nhân loại, nhưng Ngài không giống các vua trần gian bởi Ngài không lập lãnh thổ, không lập quân đội trên trần gian này... Ngài đã nói: “Các ông bởi hạ giới; còn Tôi, Tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi,Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 8,23), hay: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36). Đức Giêsu là vua, Ngài không chỉ là vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thức Ngài là vua hiểu theo cả nghĩa đen, nghĩa là Ngài đích thực là vua. Ngài là vua thực vì tên gọi của Ngài là “Đấng Ki-tô”.  “Đấng Ki-tô” là người được xức dầu. “Đấng Ki-tô” là tước hiệu của vua. Là “Người được Thiên Chúa tuyển chọn”, là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Hơn nữa, Ngài chính là Thiên Chúa thực, Ngài cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần đã tạo dựng nên trời đất, vũ trụ bao là cùng với muôn loại thụ tạo. Thánh Kinh đã cho ta rất nhiều dẫn chứng về điều này: “Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung cuộc, chính Ngài sẽ là Người ngự đến phán xét trần gian với tư cách là một vị vua (x. Mt 25,31-34).
Sách Samuel trong bài đọc I, tường thuật về cuộc phong vương cho Đa-vít, để kế nghiệp vua Saun. Đa-vít là vị vua thống nhất hai miền Nam-Bắc. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã nói với Đa-vít rằng: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân của Ta”. Qua câu nói này, chúng ta nhận thấy vua Đa-vít chỉ là người chăn dắt dân của Thiên Chúa. Thiên Chúa mới là Vua thật của dân Ngài. Cũng chính từ dòng dõi vua Đa-vít, Thiên Chúa đã tiên báo sẽ có một vị vua xuất thân từ nhà Đa-vít. Vua Đa-vít là hình ảnh của Chúa Giêsu là Vua. Ngài chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người.
Tước vị là vua của Đức Giêsu được nói cách rõ nét nhất khi Ngài bị treo lên cây thập tự. Tin mừng thuật lại rằng: Các nhà lãnh đạo Do thái chế nhạo Người khi viết dòng chữ: “Đây là vua người Do thái”, treo trên cây thập giá phía trên đầu Người. Hay binh lính cũng chế nhạo Người rằng: “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy tự cứu lấy mình đi”. Cũng thế, một trong hai tên gian phi chịu đóng đinh cùng với Ngài thưa rằng: “Thưa Ngài, khi Ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi cùng”.
Tiếp đến, Đức Giêsu, vua của tình thương. Đức Giêsu là vua, Ngài là vua khác với hết tất cả mọi vua chúa trên trần gian. Ngài không cai trị thần dân của Ngài bằng quân đội và quyền lực, nhưng bằng tình thương. Vâng, Ngài yêu thương hết mọi người, không loại trừ ai; người yêu người mạnh khỏe, người ốm đau, người bệnh tật, đui què…hơn thế nữa, Ngài yêu chính cả những kẻ thù của mình, yêu chính người sỉ nhục và giết chết mình. Ngài yêu thương con cái của Ngài như người mục tử yêu thương đoàn chiên. Ngài yêu thương đến độ biết hết từng con chiên một. Ngài sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để ra đi tìm kiếm con chiên lạc. Tìm được Ngài băng bó thương tích, tật nguyền. Ngài chạnh lòng thương xót khi thấy con cái mình đói rách, đau khổ. Tình yêu thương của Ngài đạt đết tột đỉnh của tình yêu là hy sinh chính mạng sống của mình. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15). Tình yêu thương đó được thể hiện cách rõ nhất khi bị treo trên thập giá. Bị sỉ nhục, bị thách thức, Ngài không phản ứng, không tức giận, không thù hằn, trái lại, Ngài tỏ lòng thương xót và trao ban ơn cứu độ: “Hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”. Một vị vua, chỉ có một không có hai. Một vị vua của tình yêu, của lòng thương xót, của sự tha thứ, bao dung, của lòng nhân hậu.
Cuối cùng, Đức Giêsu, vua của mỗi tâm hồn chúng ta. Ngài không chỉ là vua vũ trụ và toàn thể nhân loại. Ngài cũng không chỉ là vua của tình yêu, Ngài còn là vua của mỗi tâm hồn chúng ta. Ngài ngự trị trong mỗi tâm hồn chúng ta cũng chỉ vì yêu. Ngài ở trong tâm hồn chúng ta để sẵn sàng ban ơn thánh hóa, ơn sức mạnh, làm cho đời sống chúng ta ngày càng tốt đẹp, đạo đức, thánh thiện và trở nên hạnh phúc hơn. Như người trộm lành trên thập giá, anh ta đã đón nhận Ngài làm vua của tâm hồn mình, và anh ta đã được ban ơn. Hay như người phụ nữ ngoại tình, như Gia-kêu…tất cả đều biết mở lòng ra đón nhận Ngài làm vua ngự trị trong tâm hồn mình.
Kính thưa cộng đoàn,
Lời Chúa trong bài đọc hai một lần nữa cho ta nhìn nhận Đức Giêsu là Vua, Ngài là Vua muôn vua, là vua muôn loài thụ tạo khi khẳng định: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, muôn vật hữu hình với vô hình…tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng” (Cl 1,15-16). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loại dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Như vậy, Đức Giêsu, Ngài là vua thật, là vua của toàn thể vụ trụ, là vua của muôn loại thụ tạo, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất. Ngài là vua thật, vua của sự hòa bình và công chính, vì nhờ cái chết của Ngài trên thập giá mà mọi loài thụ tạo được giao hòa với nhau.
Mừng lễ Chúa Giêsu là Vua, chúng ta hãy xác tín lại trong đời sống chúng ta bằng những việc làm cụ thể:
Trước hết, chúng ta xác tín lại, chúng ta chỉ có một vua duy nhất là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên vũ trụ muôn loại và con người chúng ta, Ngài làm chủ vận mạng chúng ta. Các vua chúa trần gian chỉ là những người thay quyền Chúa để cai trị và hướng dẫn dân chúng đi tới hạnh phúc. Chúng ta cũng xác định lại những sự phù phiếm là tiền tài, vật chất, danh vọng, sức khỏe, thế lực, thú vui…không phải và vua chúa cho ta tôn thờ và lụy phục vào nó, nó chỉ là người đầy tớ giúp ta tiến tới và tôn thờ một vị vua duy nhất là Đức Giêsu.
Tiếp đến, chúng ta hãy cảm nếm tình yêu từ vị Vua Giêsu, Ngài sẽ cho ta thấy được vị ngọt ngào của tình yêu, của lòng nhân từ, lòng tha thứ và bao dung. Người thương yêu hết mọi người, kể cả người tội lỗi. Ngài ôm họ vào lòng, và luôn rộng mở trái tim bao dung để đón chờ chúng ta đến với Ngài: “Hãy đến với Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Cuối cùng, để đón nhận được Ngài ngự trị trong tâm hồn ta luôn mãi, chúng ta hãy: Phó thác đời sống ta cho Ngài, để Ngài thực hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta. Hãy nhận Ngài làm chủ cuộc đời ta, để ta luôn tận hưởng cuộc sống hạnh phúc trong Đức Giêsu, Vua tình yêu, bằng cách thường xuyên tham dự các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, xin cho Nước Chúa mau ngự đến và ngự trị trong cõi lòng mỗi chúng con. Amen.
           
                                                                                                                                                                                      


                                               Sơn Tây, ngày 21 tháng 11 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


                                                                            Đã ký
 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates