Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Dùng tiền của hiện tại để mua lấy đảm bảo cho tương lai

CHÚA NHẬT XXV TNC
(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

DÙNG TIỀN CỦA HIỆN TẠI ĐỂ MUA BẢO ĐẢM CHO TƯƠNG LAI

            Kính thưa cộng đoàn,
            Có câu chuyện kể rằng: Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán: Tô cơm nhỏ này bao nhiêu? Chủ quán trả lời, chỉ một đồng thôi. Còn tô lớn hơn kia? Cũng chỉ một đồng thôi. Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo: ở đây chỉ xài loại TIỀN CHO ĐI thôi. Ông có không? Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói: đó chỉ là thứ TIỀN LẤY VÀO, ở đây không tiêu được. Thế TIỀN CHO ĐI là tiền gì? Chủ quán trả lời: khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại TIỀN CHO ĐI. Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại TIỀN CHO ĐI cả. thế là ông phải nhịn đói. Bao nhiều ĐỒNG TIỀN CHO ĐI, là bấy nhiêu ĐỒNG TIỀN để dành cho đời sau.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Câu chuyện trên đây phần nào cho chúng ta hiểu được về giá trị đồng tiền trong cuộc sống. Chúng ta phải sử dụng tiền của như thế nào để có hạnh phúc thật ngay ở đời này và đời sau. Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn. Tiền có thể mang đến cho ta thức ăn ngon, nhưng không mang đến cho ta khẩu vị. Tiền giúp ta có nhiều người quen, nhưng không giúp ta có bạn bè. Tiền giúp ta có những người giúp việc, nhưng không giúp ta có được lòng trung thành của họ. Tiền cho ta có được những ngày tháng hưởng thụ, nhưng không giúp ta có được bình an và hạnh phúc. Và tiền không mua được tình bạn chân thực, không mua được lương tâm trong sạch, không mua được niềm vui lành mạnh….Vậy ta phải làm thế nào để có được những thứ mà tiền không thể mua được?
            Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết phải làm như thế nào và phải tránh làm gì để có được hạnh phúc thật.
            Trước hết, bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Amos cho ta thấy: Thiên Chúa cảnh cáo những người giàu có đầu cơ tích trữ và gian lận trong làm ăn. Họ mong cho ngày Sa bát và ngày lễ nghỉ mau qua đi để bày thóc và bán lúa. Họ tính toán cho cái đấu nhỏ đi, quả cân nặng lên, cán cân lệnh đi…đặc biệt họ tìm mọi cách để khai thác và bóc lột những người nghèo. Và Thiên Chúa phán: “Ta sẽ chẳng quên một hành vi nào của chúng..Người sẽ biến lễ lạt thành tang tóc, bài hát thành khúc ai ca..kết cục của nó như một ngày cay đắng”.
            Tiếp đến, trong bài đọc hai, trích từ thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê. Ngài khuyên các tín hữu của mình đừng ghen tị, đừng tranh chấp, hãy bằng lòng với mức độ tiền của và khả năng của mình mà Chúa đã trao ban. Ngài cũng chỉ rõ nguồn gốc của tranh chấp là lòng tham. Thay vì tranh chấp, hãy tích cực xây dựng hòa bình. Ngài còn nhấn mạnh bằng cách kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho nhau, khẩn xin, nài van và tạ ơn cho hết tất cả mọi người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Trong lá thư ngài gửi cho tín hữu Phi-líp-phê, ngài tâm sự: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, vì một mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và thuộc về Người” (Pl 3, 8-9).
            Và bài Tin  Mừng hôm nay, thuật lại cho chúng ta dụ ngôn người quản lý bất lương, là một bài học quý giá cho chúng ta trong cách sử dụng tiền của trong cuộc sống vắn vỏi và gấp rút này  để mua lấy Nước Trời. Đọc dụ ngôn, chúng ta không khỏi thắc mắc lý do tại sao cách hành xử có vẻ thiếu lương thiện của người quản lý trong câu chuyện lại được ông chủ khen ngợi, và được Đức Giêsu lấy để dạy ta hãy bắt chước. Có nhiều cách giải thích khác nhau để cắt nghĩa; có thể do tục lệ và luật lệ được chấp thuận tại Palestina thời đó để cắt nghĩa người quản lý không bất lương. Có thể do luật Môsê cấm người ta không được lấy lãi với giá cắt cổ, nên anh ta đã sửa lại phần lãi cắt cổ này cho đúng luật. Cũng có lối giải thích khác bằng cách tìm xem anh ta được khen ngợi về điều gì, tại sao anh ta lại được khen. Cho dù cách giải thích như thế nào, thì điều chúng ta thấy sự kiện diễn ra trong lúc hoàn cảnh khó khăn nhất xẩy đến cho anh ta trong thời gian cuối cùng. Một thời gian thật ít ỏi còn lại trước khi anh ta bị mất việc và phải ra đi để sắp xếp cho cuộc sống tương lại của mình, thay vì tận dụng nó để hưởng thụ, anh ta đã tìm cách mua lấy tình thương, và sự quý mến và biết ơn của các con nợ. Chúng ta đang rơi vào lối sống thích hưởng thụ, và tranh thủ để hưởng thụ. Chúa đang cảnh báo chúng ta. Chúa dùng chính thái độ và cách hành xử của người quản lý bất lương làm mẫu gương cho chúng ta hôm nay: “Phần Thầy, Thầy bảo anh em: hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu”. Nơi khác Chúa nói: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12,33).
            Như thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè. Vậy, ta phải hiểu tiền của bất chính ở đây là như thế nào. Có nhiều cách hiểu khi giải thích câu này; có nhiều người hiểu đây cũng có thể là tiền của mà người ta kiếm được cách bất chính như trong bài đọc một đã diễn tả. Cũng có nhóm khác dựa vào ngữ cảnh của bài Tin mừng để hiểu và cho rằng: tiền của bất chính ở đây, không được so sách với tiền của ngay chính.. mà phải hiểu tiền của bất chính ở đây chính là khuynh hướng của con người muốn quy chiếu tiền của về mình, muốn sử dụng tiền của chỉ cho chính mình, tự coi mình là ông chủ tuyệt đối của tiền của. Chúng ta cũng phải xét lại, và phải đặt cho đúng giá trị và vai trò của chúng ta với tiền của, vì chỉ có “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn loài muôn vật, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24,1). Chúa muốn chúng ta sử dùng của cải vật chất để tạo lấy bạn hữu đích thật. Chúa mời gọi chúng ta sử dụng của cải vật chất theo đúng tinh thần mà Chúa trao cho chúng ta là người quản lý, mà chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, thay vì tận hưởng trong thời gian hiện tại và ngắn ngủi này. Chúng ta hãy học nơi người quản lý bất lương, biết tận dụng thời gian ngăn ngủi đó để mua lấy bạn bè và cuộc sống hạnh phúc cho tương lai.
Kính thưa cộng đoàn, tiền của chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt tới đích mà chúng ta đến là Nước Trời. Nó chỉ là đầy tớ cho ta, là phương tiện cho ta đạt tới hạnh phúc, chúng ta không thể để nó làm chủ chúng ta được, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm chủ. Chúa biết và thấy rõ sự cám dỗ không chỉ nơi tiền của vật chất, mà còn nhiều những thứ khác, chúng ta sẽ dễ bị nó làm chủ chúng ta, điều khiển chúng ta đi sai hướng, nên Chúa đã dạy và nhắc nhớ ta: “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Vì tiền của ở đời này chỉ là phi nghĩa; nó không có nghĩa lý gì cho cuộc sống đời sau, nó chỉ là phương tiện giúp ta ở đời này mà thôi. Chúng ta chỉ mải lo tìm kiếm, tích trữ cho thật nhiều, mua sắp thật đầy đủ những tiện nghi để phục vụ cho đời sống riêng tư của chúng ta, nhưng khi chết, chúng ta chẳng mang theo được gì. Tiền bạc, của cải vật chất nó là kẻ đầu tiên bỏ ta, xa ta, phản ta. Nó làm cho chúng ta điêu đứng, mắt ăn mất ngủ vì nó. Chúng ta thường nghe câu nói: “Nghèo khó thì ngáy o o, giàu có thì lo ngay ngáy”. Không phải vì thế mà chúng ta không làm ra tiền, không được kiếm tiền, nhưng là phải biết kiếm và sử dụng nó theo như ý Chúa và chấp nhận với những gì mình có. Suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy tích chữ của cải còn là một nỗi hiểm họa cho chính cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy dùng của cái phi nghĩa đó để làm ích và giúp đỡ người nghèo khó, làm bác ái, cũng như đóng góp lo công việc nhà Chúa, công việc truyền giáo, vì tiền của chúng ta có là do ơn Chúa ban. Chúa ban cho ta có khả năng làm ra tiền của, thì chúng ta cũng phải biết chia sẻ với những người thiếu may mắn, kém khả năng hơn. Hơn nữa, chúng ta hãy chấp nhận với của cải mà Chúa ban cho, đừng ghen ti, đừng đố kỵ hay tìm mọi cách để làm hại nhau, tranh chấp nhau, hận thù nhau, giành giật nhau. Đã biết bao nhiêu câu chuyện sảy ra thương tâm: cháu giết bà, con giết mẹ, anh em giết nhau, cha con lìa mặt nhau, cũng chỉ vì vài mét đất, vì mấy chục nghìn. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho mỗi chúng ta biết chấp nhận, biết hy sinh, biết chia sẻ và biết  sử dụng của cái theo đúng ý Chúa đã trao ban cho chúng ta làm người quản lý tốt, đó là cách mà chúng ta đang dùng tiện của để mua đảm bảo cho tương lai. Amen.

                                         Tiên Cát, ngày 17 tháng 9 năm 2013

                Xét duyệt                                      Người soạn

(đã ký)



      Gioan Maria Vũ Tất                 Phêrô Trần Văn Hương
               Giám mục


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates