Pages

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

CHÚA NHẬT II TN A
(Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)


Phêrô Trần Văn Hương
ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA
            Kính thưa cộng đoàn,
            Chúng ta đã bước vào Mùa Thường Niên. Mùa mà phụng vụ không kính nhớ mầu nhiệm đặc biệt nào như các mùa khác. Mùa thường niên được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cho đến trước ngày thứ 4 lễ tro. Giai đoạn hai được bắt đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần cho đến hết năm phụng vụ trước Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Thường Niên, mùa mà Giáo hội mời gọi chúng ta cùng song hành với Người trên con đường rao truyền Lời Chúa và đem ơn cứu độ đến cho con người. Người đó là ai? Là Chiên Thiên Chúa, Là Đấng xóa tội trân gian mà hôm nay thánh Gioan tẩy giả giới thiệu.
            Trong suốt mùa Giáng Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây là một mầu nhiệm quan trọng, mầu nhiệm này mời gọi người tín hữu phải có một đức tin vững chắc, một đức tin phó thác trong tay Thiên Chúa là tình yêu. Giáo hội là Mẹ biết đức tin của chúng ta rất dễ bị lung lay và thay đổi trước những biến cố của cuộc sống, và những thay đổi của xã hội. Cho nên, Mẹ Giáo hội sắp xếp các bài đọc Tin Mừng trong những Chúa nhật đầu của Mùa Thường Niên nói về những chứng tá, những phép lạ Chúa làm để khẳng định Ngài là Thiên Chúa thật, là người thật, mời gọi chúng ta một lần nữa xác tín vào Đức Giêsu là con người thật và là Thiên Chúa thật.
            Qua bài Tin mừng trong thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta được Thiên Chúa Cha giới thiệu và xác nhận Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là Ngôi Hai đã xuống thế làm người. Ngài là Người đã được tuyển chọn và là Con yêu dấu, rất đẹp lòng Chúa Cha. Sau khi Đức Giêsu từ dưới dòng sông Gio-đan đi lên, từ trời cao có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
            Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng được thánh Gioan tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
            Thánh Gioan tẩy giả là người được sai đến, ngài đi trước để dọn đường, để loan báo và giới thiệu về Đức Giêsu, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc mọi người. Ngài là Đấng cao trọng hơn Gioan tẩy giả. “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30). “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34).
            Kính thưa cộng đoàn,
            Cuộc sống hàng ngày, chúng ta có rất nhiều lần phải giới thiệu người này cho người khác, tùy mức độ và tầm quan trọng của người chúng ta cần giới thiệu. Để giới thiệu về ai đó, chúng ta phải biết rõ về người đó là ai: tên gọi, quê quán, chức vụ…Nếu không biết rõ, ta sẽ giới thiêu sai về người ấy. Và mục đích của việc giới thiệu là để cho mọi người biết nhau, hầu mong giúp ích cho nhau trong cuộc sống.

            Dựa vào bài Tin mừng và cách thức mà thánh Gioan tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho dân Do thái, chúng ta rút ra bài học:
- Thánh Gioan tẩy giả là người được Chúa chọn ngay từ trong lòng mẹ để giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Ngài biết rất rõ Đức Giêsu là ai, đến từ đâu và sứ vụ là gì?
Chúng ta cũng được Chúa chọn và gọi qua bí tích Thánh Tẩy để giới thiệu Chúa cho người khác. Chúng ta được trao ban sứ vụ là ngôn sứ để rao giảng Chúa cho người khác, vậy chúng ta đã biết rõ về Chúa chưa. Thực tế, chúng ta còn đang rất e dè trong việc giới thiệu Chúa cho người khác, bởi chúng ta chưa biết đủ về Chúa, bởi đức tin của chúng ta còn đang non yếu. Chúng ta ngại ngùng nói về Chúa, không dám tuyên xưng về Chúa trước đám đông người không cùng tôn giáo. Đôi khi chúng ta còn tránh né, hay từ chối nhận Chúa trước mặt mọi người. Chúng ta được làm con Chúa, mà khi được làm con thì việc giới thiệu về người Cha của mình phải là một niềm vui, niềm hãnh diện và tự hào, sao chúng ta lại nhát đảm, sợ sệt. Chúng ta không dám giới thiệu về Cha của mình, có nghĩa là chúng ta không nhận Chúa là Cha của chúng ta, chúng ta từ chối Ngài. Phải chăng là vì danh lợi, tiền tài, chức vị mà chúng ta dám từ chối và loại bỏ Thiên Chúa là Cha ra khỏi cuộc sống của chúng ta?
- Thánh Gioan tẩy giả biết rõ Đức Giêsu đến là để đem ơn cứu độ đến cho mọi người, nên ngài đã giới thiệu và can đảm làm chứng về Đức Giêsu cho dù là khó khăn, là gông cùm, là tù đầy và phải chết.
Quả thực, ý thức về công việc mình làm đem lại ích lợi cho dân chúng, Thánh Gioan tẩy giả đã giới thiệu Chúa cho dân Do thái  trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Ngài can đảm làm chứng về Đức Giêsu, về sự thật và chân lý cho dù phải chết. Còn chúng ta thì sao, chúng ta đã làm gì để giới thiệu Chúa cho người khác, hay chúng ta đang làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu bị méo mó, bị biến dạng trong cuộc sống chúng ta? Một lần nữa, chúng ta xác tin điều này: “Thiên Chúa Là Tình Yêu” (1Ga 4,8), để rồi chúng ta đối chiếu vào cuộc sống hằng ngày, xem chúng ta đang giới thiệu ai cho mọi người xung quanh và cho thế giới. Nếu chúng ta đang giới thiệu về Đức Giêsu, mà không diễn tả được khuân mặt tình yêu của Ngài, là chúng ta đang giới thiệu về một ai khác, không phải là Ngài. Vì thế, lời giới thiệu về Ngài phải làm nổi bật và rõ nét khía cạnh tình yêu. Và để giới thiệu được chúng ta phải có kinh nghiệm về tình yêu: tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu với những người sống xung quanh, tình yêu với người đau khổ, bệnh tật… Nếu chúng ta không có thì không thể giới thiệu cho người khác. Đúng thế, cổ nhân dạy rằng: “Không ai cho cái mình không có”. Chúng ta không thể giới thiệu cho người khác về Đức Giêsu nếu chúng ta không có Ngài trong chúng ta.
Đặc biệt trong năm 2014, chúng ta được mời gọi sống Tái Phúc Âm trong đời sống gia đình. Mỗi gia đình chúng ta sống và làm chứng bằng chính cuộc sống của mình qua việc đọc và suy niệm lời Chúa trong giờ kinh tối sớm hàng ngày.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ chúng con lãnh nhận trong ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy. Xin cho chúng con thấm đượm tình Chúa trong lời nói, hành động, để lời nói và hành động của chúng con luôn thể hiện khuân mặt tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.
                                               Sơn Tây, ngày 16 tháng 01 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


TÌM CHÚA VỚI LÒNG THIỆN CHÍ

CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH
(Is 60,1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2,1-12)


Phêrô Trần Văn Hương

TÌM CHÚA VỚI LÒNG THIỆN CHÍ

            Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh. Lễ Chúa Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho mọi người. Đặc biệt, Lễ Chúa Hiển Linh, được gọi là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Đại diện cho những người dân ngoại là ba nhà Đạo sĩ, ta quen gọi là Ba Vua. Nhờ nhận được dấu lạ qua ánh sao, họ đã lên đường tìm Chúa. Với lòng thiên chí, họ quyết tâm lên đường tìm Chúa. Họ đã đến, đã gặp được Chúa, lòng đây hận hoan, ra về trong tình yêu, niềm vui và ơn cứu độ.
            Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, được sinh ra là người như chúng ta là để cho toàn thể nhân loại, không riêng gì ai. Bởi thế, để chuẩn bị cho nhân loại đón nhận Chúa, Tin vui nay đã được chuẩn bị và được loan báo cho toàn thể nhân loại từ nhiều thế kỷ trước. Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch từ lâu và dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngài đã dùng các ngôn sứ, các tiên tri mà loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải phóng và cứu dân khỏi tội lỗi. Ngài đã tiên báo trước về ngày giờ, năm tháng mà Hài nhi sẽ chào đời…nhưng quả thực, người gặp được Hài Nhi thật ít.
            Chúng ta có thể phân biệt ba hạng người, với ba thái độ tìm gặp Chúa dựa vào bài Tin mừng hôm:
            Hạng người thứ nhất: Biết rất rõ về Chúa nhưng không gặp được Chúa. Tin mừng kể cho chúng ta hạng người này là các Kinh sư, Biệt Phái... Đây là những người am hiểu và thông thạo Thánh Kinh, họ truy tìm và biết ngày giờ, địa điểm mà Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra: “Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 5-6). Có thể nói, nhóm người này họ được nghe về Chúa, biết và rất hiểu về Chúa, nhưng chỉ trên lý thuyết mà thôi. Họ chỉ biết trên lý thuyết, chỉ ngồi một chỗ mà không dám lên đường, họ chỉ tìm Chúa trong sách vở mà không tìm Chúa trong nhưng dấu chỉ của cuộc sống.
            Hạng người thứ hai: Tìm kiếm Chúa để phục vụ quyền lợi cá nhân mình. Đại diện là Hê-rô-đê: “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu” (Mt 2, 3-4). Ông cũng bí mật mời các nhà chiêm tinh đến để hỏi: “Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2, 7-8). Ông mời mọi người đến để tìm hiểu Chúa, nói với ông về Chúa, nhưng không phải là để ông đến bái thờ Chúa mà là sát hại Chúa, với mục đích là để bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ ngai vua của mình. Ông muốn Chúa làm theo ý ông.
            Hạng người thứ ba: Tìm Chúa qua dấu chỉ thời đại và sãn sàng lên đường tìm gặp Chúa cho kì được. Đại diện là các nhà đạo sĩ. Nhờ nhận ra dấu chỉ từ ánh sao lạ cho biết: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh” (Mt 2, 2), họ đã lên đường, rời bỏ quê hương, mang theo lễ vật để gặp Chúa. Gặp được rồi họ bái thờ và dâng lễ vật lên cho Ngài. Trên hành trình tìm Chúa, có khi các ông như thất vọng vì ánh sao bị mất. Nhưng niềm tin đã giúp các ông chiến thắng khi các ông tiếp tục rời khỏi cung vua để lên đường tìm Chúa. Ánh sao lạ lại xuất hiện và đưa các ông đến nơi Hài Nhi sinh.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Bài Tin mừng cho chúng ta thấy, những con người gặp được Chúa là những người có thiện tâm, thiên chí. Đó là những con người có một tâm hồn nghèo khó và một trái tim quảng đại, dấn thân và hy sinh. Những con người đó là các mục đồng, các nhà chiêm tinh, những người nghèo của Thiên Chúa như cụ già Simeon, bà Anna…. Những người này họ đã gặp được Chúa vì họ dám lên đường, lên đường đi ngay tức khắc khi nhận ra dấu chỉ.
            Mỗi chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta giống hạng người nào. Trong chúng ta luôn tồn tại cả ba hạng người trên. Chúng ta giống các nhà thông luật, các kinh sư… Chúng ta biết Chúa, hiểu Chúa qua lời Giáo huấn và các lời giảng dạy, qua việc học hỏi giáo lý, qua việc tìm hiểu và đào sâu về Chúa. Nhưng xem ra chúng ta cũng chưa lên đường thật sự để gặp Chúa. Chúng ta hàng ngày vẫn đi dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện, chúng ta nói và cắt nghĩa cho người khác về Chúa nhưng không hề thực hành… Chúng ta chỉ có Chúa trên môi miệng và trên lý thuyết mà thôi. Cuộc sống thực hành vẫn chưa có Chúa: vẫn hiềm khích, tranh dành, ghét ghen, thù nghịch….Chúng ta chưa sống theo lời Chúa dạy, chưa đem Chúa vào cuộc sống của chúng ta. Vậy chúng ta không khác gì các kinh sư, biệt phái…biết Chúa nhưng không hề được gặp và đón nhận Chúa.
            Trong chúng ta cũng có những lúc giống Hê-rô-đê khi chúng gạt Chúa sang một bên vì quyền lợi, danh vọng, chức vị... Chúng ta năng hỏi người này người kia về Chúa. Nơi nào có lễ, nơi nào có hành hương để chúng ta đến…nhưng thực tế chúng ta đến vì mục đích khác, có khi đến cho vui cùng bạn bè, đến cho biết, đến vì thấy người ta đi mình cũng đi…chúng ta hãy xét lại bản thân xem, chúng ta có giống như Hê-rô-đê không?
            Chúng ta hãy nhìn vào gương các nhà đạo sĩ, đó là những người ngoại giáo, nhờ việc chiêm ngắm các sự lạ trên bầu trời, nhờ ơn soi sáng của Chúa, họ nhận ra Chúa. Không một chút chần chừ hoặc lo lắng về những vất vả trên đường đi, những khó khăn trước mắt. Lòng khát khao và thành tâm tìm kiếm Chúa. Họ gặp được Chúa vì họ có một tâm hồn đơn sơ và chân thành: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).
            Kính thưa cộng đoàn,
            Mừng lễ Hiển Linh, Giáo hội muốn chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống chúng ta hôm nay, với biết bao những thách đố, khó khăn đang cận kề. Với biết bao những biến động xôn xao của cuộc sống làm chúng ta không còn nhận ra dấu chỉ của Chúa trong cuộc sống hiện tại chúng ta hôm nay. Mỗi người chúng ta hãy hồi tâm nhìn lại và nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Mối chúng ta hãy lên đường cùng với các nhà đạo sĩ để gặp Chúa. Mỗi chúng ta hãy đi ra khỏi mình là “cung điện” lộng lẫy và tráng lệ, đang được trang hoàng bằng tấm lòng ích kỉ và kiêu ngạo, để nhờ lời Chúa là ánh sao dẫn đường đến gặp Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình cho nhân loại mà nhân loại vẫn tìm cách từ chối Chúa, xin cho chúng con nhận ra Chúa qua dấu chỉ thời đại để chúng con được đến bái thờ Ngài nơi cung lòng chúng con là đền thờ Chúa ngự. Amen.

                                                 Sơn Tây, ngày 2 tháng 01 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3, 13-17)


Phêrô Trần Văn Hương

Kính thưa cộng đoàn,
Tuần trước, chúng ta đã mừng kỷ niệm lễ Chúa hiển linh, là lễ Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, đặc biệt là những người ngoại. Chúa nhật tuần này, Giáo hội cho ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, cũng là ngày cuối cùng của mùa Giáng sinh, đồng thời bắt đầu “mùa” thường niên.
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm và chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa nhập thể làm người, mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Sau ngày hôm nay, chúng ta sẽ bước vào mùa Thường niên, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Đánh dấu cho bước khởi đầu của cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã đến sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa từ Gioan Tẩy giả.
            Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, cũng là biến cố Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Ngài cho biết Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần.
            Trước hết, Thiên Chúa cho ta biết Ngài là Cha. Tin mừng kể lại cho ta biết, Thiên Chúa Cha xuất hiện cho mọi người biết qua tiếng nói, khi Ngài tuyên bố nhận Đức Giêsu là Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
            Tiếp đến, Ngài cho ta biết về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình ảnh chim bồ câu ngự trên Đức Giêsu: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3,16).
            Cuối cùng, Ngài cho ta biết về Chúa Con. Trong suốt những ngày vừa qua, chúng ta mừng kỷ niệm biến cố Thiên Chúa sai Con mình là Đức Giêsu, xuống thế làm người, sinh làm con một người phụ nữ. Ngài là người thật, một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta. Ngài có quê hương rõ ràng, dùng tiếng nói của con người. Ngài là người đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42,1). Ngài cũng là người mà một lần nữa trong sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, được thánh Phao-lô xác mình lại một cách rõ ràng hơn nữa: “Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Cụ thể hơn nữa, hôm nay, chính Ngài đã đến sông Gio-đan để xin Gioan làm phép rửa, để bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình. Hôm nay, Ngài được chính Thiên Chúa Cha xác nhận, giới thiệu và kêu gọi mọi người hãy vâng nghe lời Đức Giêsu, được Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên ngài.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Giáo hội mời gọi chúng ta sống và chiêm ngắm mầu nhiệm hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh Thần. Đặc biệt là chiêm ngắm sự khiêm nhường tự hạ (mình) của Thiên Chúa Ngôi Hai. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng đã mặc lấy cách sống khiêm tốn, nghèo hơn và đơn sơ của con người. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng đã chấp nhận sinh ra trong hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận con người. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng, đã chấp nhận sinh ra trong một gia đình trong thôn quê nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa Chí Thánh, nhưng đã chấp nhận để cho Gioan Tẩy giả làm phép rửa như một con người tội lỗi.
 Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ cam kết ngày chúng ta được lãnh nhận phép rửa. Chắc cộng đoàn thắc mắc, phép rửa của thánh Gioan tẩy giả giống hay khác phép rửa của Đức Giêsu ?
            Điều này chính thánh Gioan tẩy giả đã xác nhận: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Phép rửa của thánh Gio-an tẩy giả chỉ nhằm nhắc nhở và thúc giục chúng ta ăn năn sám hối, cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh hóa. Còn phép rửa của Chúa Giê-su vừa có khả năng tha tội, vừa trao ban Chúa Thánh Thần. Mặc dù chúng ta cũng được rửa bằng nước, nhưng nước chỉ là dấu chỉ bề ngoài và là điều kiện cần, còn thực sự là được rửa bằng lửa. Lửa ám chỉ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, biến đổi con người tội lỗi trở nên con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp trên trời với Chúa.
            Khi được lãnh nhận phép rửa, là chúng ta lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban là cộng tác với Ngài trong vai trò Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Đế. Mỗi chúng ta hãy thành thật nhìn lại xem lời cam kết trong ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa, chúng ta đã thực thi như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, trong môi trường chúng ta sống.
Khi lãnh nhân phép rửa, Chúa Giêsu cho ta được làm con của Thiên Chúa. Chúng ta có ý thức để sống xứng đáng với tước hiệu cao quý này, để luôn là những người con yêu dấu của Thiên Chúa không?



                                                 Sơn Tây, ngày 9 tháng 01 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục
                                                                     
                                                                         đã xem
                                                + Anphong Nguyễn Hữu Long


GIA ĐÌNH THÁNH GIA GƯƠNG MẪU MỌI GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT KÍNH THÁNH GIA
(Hc 3,3-7.7.14-17a; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19.23)


Phêrô Trần Văn Hương

GIA ĐÌNH THÁNH GIA
GƯƠNG MẪU MỌI GIA ĐÌNH

            Kính thưa cộng đoàn,
            Đứng trước thực trạng đời sống các gia đình công giáo nói riêng và các gia đình nói chung đang đi xuống rất trầm trọng về đời sống nhân bản, đạo đức và tâm linh. Hội Đồng Giám Mục Việt nam đã chọn năm 2014 là Năm Gia Đình, nhằm khơi lại nơi các gia đình sống đời sống, “Sống và Loan báo Tin Mừng”. Tại Giáo phận chúng ta, trong kỳ họp tổng kết mục vụ năm 2013 vừa qua, đã đưa ra việc làm cụ thể cho các gia đình trong năm nay là việc đọc kinh chung tại các gia đình. Trong giờ kinh chung, các gia đình sẽ đọc Lời Chúa và cùng nhau suy niệm, chia sẻ. Thật ý nghĩa, khi chúng ta chuẩn bị bước vào Năm Gia Đình, chúng ta được cùng nhau chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, một gia đình mẫu mực cho mọi gia đình trong đời sống thường ngày.
            Hầu như trong các gia đình công giáo đều có các mẫu ảnh hay bức tượng gia đình Thánh Giá. Chúng ta thấy có Đức Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Mẹ. Các bức ảnh gia đình Thánh gia diễn tả thật sống động với một khung cảnh thật thật phúc. Người cha chăm chỉ, cần mẫn bên công việc làm Mộc, người mẹ cần cù may vá, và người con ngoan ngoãn xem cha mẹ làm việc.
            Tuy vây, nêu tìm hiểu trong Thánh kinh khi nói về gia đình Thánh Gia, chúng ta sẽ thấy những khó khăn, thách thức của cuộc sống mà gia đình Thánh Gia phải chiến đấu để có được sự bình an và hạnh phúc như vậy.
            Thánh kinh cho chúng ta thấy Gia đình Thánh Gia:
            Là một gia đình nghèo: cha làm nghề thợ mộc, mẹ khâu vá.
            Là một gia đình cũng đã trải qua sự hiểu lầm trong đời sống vợ chồng khi Thánh Giuse hay tin Đức Mẹ có thai.
            Là một gia đình bị thù ghét và bị truy đuổi phải bỏ nhà chạy trốn, như trong bài Tin Mừng hôm nay tường thuật.
            Là gia đình cũng phải chứng kiến việc con mình tự động ở lại Đền thờ mà không xin phép.
            Tất cả những vất vả và thử thách trong cuộc sống của gia đình Thánh gia được kể trên, thiết tưởng chi là một phần rất nhỏ trong cuộc sống, nhưng cũng đủ để chúng ta thấy gia đình Thánh Gia phải vất vả, chiến đấu như thế nào. Có lẽ gia đình Thánh gia còn vất vả hơn nhiều gia đình bình thường khác. Làm sao các ngài vượt qua được những khó khắn như vậy?
            Gia đình Thánh Gia vượt qua được những khó khăn vất vả đó vì: Các ngài luôn biết từ bỏ ý riêng mình để tìm và làm theo thánh ý Chúa. Các ngài luôn thi hành cách mau mắn thánh ý Chúa khi nhận được và các ngài luôn quên mình để phục vụ người khác.
            Kính thưa cộng đoàn,
  Ngày nay, các gia đình đang gặp nhiều khủng hoảng lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã không biết áp dụng và lấy mẫu gương gia đình Thánh Gia, làm gương sống cho gia đình mình.
Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những thầy bói toán, mê tín dị đoan. Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình.
Bài đọc II đưa ra cho chúng ta những phương thế giúp chúng ta có thể trở nên những gia đình mẫu mực:
Trước hết, Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta biết: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia”. 
Tục ngữ Ca Dao Việt Nam cũng có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Trong đời sống gia đình, làm sao có thể tránh khỏi những lúc xô xát, cãi cọ… nhưng nếu, vợ chồng biết nhường nhịn nhau thì cửa nhà sẽ êm ấm. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
Thánh Phaolô còn cho ta biết, chúng ta phải tha thứ cho nhau vì: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3, 13).
 Tiếp đến, Thánh Phaolô dạy cho chúng ta biết phải có lòng bác ai trong đời sống trong gia đình“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). 
Lòng bác ái phải phát xuất từ con tim, một con tim chân thành, không kiêu căng, không tự ái, như trong “Bài ca đức ái” mà thánh Phaolô đã dạy: Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1Cr 13,7).
Cuối cùng, thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). 
Mỗi khi hành xử, chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng: tôi làm điều này, nói điều kia có nhân danh Chúa hay không?
            Kính thưa công đoàn,
            Cuộc sống chúng ta ngày hôm nay, hầu như chúng ta chỉ quan tâm tới việc chúng ta ăn gì, uống gì, mặc gì, mua sắm thứ gì, đi bằng phương tiện nào…chúng ta không quan tâm và đặt câu hỏi cho mỗi chúng ta và gia đình rằng: tôi và gia đình tôi phải sống như thế nào để có được hạnh phúc. Nếu chúng ta làm được như vậy, chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ có hạnh phúc. Amen.

                                               Sơn Tây, ngày 29 tháng 12 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


THIÊN CHÚA THẬT, CON NGƯỜI THẬT

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A
(Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)


Phêrô Trần Văn Hương

THIÊN CHÚA THẬT, CON NGƯỜI THẬT

            Kính thưa cộng đoàn,
            Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của mùa vọng, mùa mong đợi Đấng cứu thế đến. Ngày từ đầu mùa vọng, chúng ta đã có biết bao chương trình và những kế hoặch để mừng kỉ niệm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người như: quét dọn, trang trí nhà thờ, tập hát, tập văn nghệ, làm mới và dựng thêm nhiều hàng đá trong nhà thờ và tại các gia đình, các khu phố. Đây đó, tại các cửa hàng, các siêu thị, khu thương mại…cũng tạo nên một bầu không khí Giáng sinh thật sôi động và ấm cúng. Tất cả như đang hòa cùng một niềm vui, một sức sống trong ngày lễ trọng đại này. Nhưng có phải tất cả đều có cùng một niềm tin, tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật không? Câu hỏi này hôm nay vẫn luôn được đặt lại, và cần phải được đặt lại cho chính chúng ta trong đời sống đức tin. Câu trả lời sẽ có trong các bài đọc thánh lễ hôm nay.
            Bài đọc I, trích từ sách ngôn sứ Isaia, nói về biến cố vua Achaz đang đánh mất lòng tin và hoài nghi về Thiên Chúa khi vương quốc Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa. “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu lạ dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh. Vua Achaz trả lời: tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Is 7, 11-12). Để củng cố lòng tin cho nhà vua, ngôn sữ Isaia đã tiên báo một dấu chỉ: “Nghe đây, hỡi Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiên cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên cho con trẻ là Em-ma-nu-en” (Is 7, 13-14). Em-ma-nu-en có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
            Quả thực, lời tiên báo về người phụ nữ sẽ sinh một người con trai có tên gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta”, đã ứng nghiệm ngay với vua Achaz. Ngay sau lời tiên báo, hoàng hậu vợ vua Achaz đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Đó là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa luôn ở cùng nhà vua và sẵn sàng giúp đỡ ông nếu ông thực lòng phó thác, tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa.
            Lời tiên báo này, mãi về sau mới được hiểu và coi đây chính là lời tiên báo về Đấng Messia sẽ đến là Đức Giêsu, chỉ trong Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia mới được hoàn tất. Tại sao vậy, thưa vì mỗi vị vua thuộc dòng dõi Đa-vít đều là hiện thân của lời hứa Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
            Bài đọc II và bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không còn chỉ là lời tiên báo, nhưng lời tiên báo được ứng nghiệm. “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên cho con trẻ là Em-ma-nu-en” (Mt 1,23).
            Khởi đầu bài Tin mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu xác quyết cho ta về gốc tích của Đức Giêsu Ki-tô. Ngài là Ngôi hai Thiên Chúa đã sinh ra làm một con người như mọi người chúng ta: Mẹ Ngài là một người nữ mang tên là Maria, cha Ngài là một ông thợ mộc có tên là Giuse. Nếu chúng ta còn nhớ thì bài Tin mừng của ngày đầu tiên trong tuần bát nhật trước lễ Giáng Sinh, Thánh Mát-thêu đã trình bày nguồn gốc Đức Giêsu khởi đi từ ông tổ là Áp-ra-ham của cây gia phả: “Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1,1).
Thánh Mát-thêu xác định rõ và chắc chắn cho chúng ta: Đức Giêsu là con người thật, có gốc tích từ thời tổ phụ Áp-ra-ham, thuộc con cháu vua Đa-vít. Đồng thời ngài cũng khẳng định cho ta: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật khi trình bày cho ta biến cố truyền tin và việc Thiên Thần đến báo mộng cho ông Giuse biết việc Đức Maria thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 18). Như thế, khẳng định rằng: Thánh Giuse chỉ là cha nuôi của Đức Giêsu. Thánh Giuse thuộc chi tộc vua Đa-vít, và theo luật pháp, khi ngài nhận Đức Giêsu làm con nuôi thì Đức Giêsu thuộc về dòng dõi vua Đa-vít. “Này ông Giuse, con cháu vua Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần, bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).
Lời khẳng định Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật cũng được nhắc lại trong bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Roma. Thánh Phaolo xác tín niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật khi nói với tín hữu Roma rằng: “Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4).
Kính thưa cộng đoàn,
Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài đã đến, Ngài đến cách chúng ta 2013 năm. Trải qua hơn 20 thể kỷ, Giáo hội vẫn loan truyền và mãi loan truyền niềm tin đó cho nhân loại. Mỗi dịp Giáng Sinh về, Giáo hội lại nhắc nhở con cái mình xác tín lại niềm tin vào Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật như chúng ta. Ngài đến để mang ơn cứu độ và giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Ngài đến thế gian để làm người, mang lấy thân xác yếu hèn của chúng ta, để cho ta được làm con cái của Ngài. Qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta được làm con Chúa, được gọi Chúa là Cha. Chúng ta hãy sống thế nào để xứng với hồng ân cao cả đó.
Thánh Giuse trong bài Tin Mừng hôm nay, là mẫu gương cho mỗi người chúng ta:
Thánh Giuse luôn thể hiện được một tình yêu dâng hiến, luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và được hạnh phúc hơn. Ngài chấp nhận chịu thiệt thòi để người mình yêu được hưởng lợi. Chấp nhận đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc. Sẵn sàng và luôn thông cảm, tha thứ cho người mình yêu khi có lỗi lầm.
Thánh Giuse luôn biết mở lòng ra lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Khi Thiên Thần giải thích cho ngài, ngài sẵn sàng đón nhận ý định của Thiên Chúa, cho dù ý đính đó rất trọng đại và vượt sức con người mình, nhưng ngài vẫn một lời xin vâng và phó thác.
Thánh Giuse có một đời sống đức tin sâu sắc và mật thiệt với Thiên Chúa, thề hiện qua việc ngài được mời gọi cộng tác vào công trình nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Mỗi chúng ta hãy noi gương thánh cả Giuse, biết sống cho tha nhân, biết sẵn sàng vâng theo ý Chúa và thể hiện một đức tin sâu sắc của mình trong cuộc sống hàng ngày, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng ra đón Chúa. Amen
           
                                               Sơn Tây, ngày 04 tháng 12 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A
(Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12)


Phêrô Trần Văn Hương

DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA

            Kính thưa cộng đoàn,
            Chúng ta đã bước vào mùa vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Chúa đã đến, Ngài đã đến lần thứ nhất trong âm thầm, lặng lẽ tại hang đã Belem. Chúa sẽ đến, Ngài sẽ đến lần thứ hai trong chiến thắng khải hoàn vào ngày tận thế. Và trong khi đời chờ Chúa đến lần thứ hai, Ngài vẫn đang đến với cuộc đời của từng người chúng ta, qua các Bí tích và trong các biến cố cuộc đời. Đặc biệt, Ngài đến với chúng ta khi chúng ta nhắm mắt lìa khỏi thế gian này. Vậy chúng ta sẽ chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón Chúa đến?
            Trước tiên chúng ta hãy nhìn lại xem dân Do Thái họ đã chuẩn bị như thế nào để đón Chúa. Trong khi đang khát khao mong chờ Chúa đến, dân Do Thái đã nghe thấy lời kêu gọi của thánh Gioan tiền hô: hãy sẵn sàng, hãy dọn đường, hãy sửa lối để Chúa ngự đến, và từ Giêrusalem, từ khắp miền Giuđêa và khắp vùng miền ven sông kéo đến. Họ đến xưng thú tội lỗi và xin được lãnh phép rửa để xứng đáng đón Chúa. Họ đến xin thay đổi cuộc sống cũ của mình, trở thành một con người mới, bằng việc sinh hoa kết trái là lòng sám hối ăn năn. Họ là ai, là những người có tâm hồn đơn sơ nghèo khó, những con người biết mở lòng ra đón nhận Chúa. Bởi đâu họ có được một sự quyết tâm như vậy? Thưa, vì lòng khát mong đón chờ Chúa, và vì họ đã được tiên báo về một viên cảnh Nước trời thật đẹp, là nơi hạnh phúc và bình an, nơi đem lại ơn cứu độ cho những tâm hồn đau khổ.
Ngôn sứ Isaia mô tả Nước Trời đó trong bài đọc I với những hình ảnh thật sống động. Ngài cho chúng ta chiêm ngắm trước về Nước Trời, nơi: “Sói sẽ ở với chiên, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,6-8).
            Viễn cảnh Nước trời thật tuyệt vời, nơi không còn chiến chanh, không còn thù hận. Nơi đó, con người và các loài động vật sống hài hòa bên nhau. Đặc biệt, nơi đó, con người được chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa.
            Thánh Kinh kể lại cho ta một vài mẫu gương như sau: Vì nhờ biết hoán cải đời sống, biết chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa, những người có tâm hồn đơn sơ như Đức Maria, Ông thánh Simeon, bà thánh Anna… đã gặp được Chúa. Nhờ biết hoán cải và thay đổi đời sống mà Gia-kêu, Mát-thêu, Madalena.. đã được Chúa biến đổi thành con người mới.
Vâng, Nước Trời là nơi dành cho những con người sống đơn sơ như trẻ nhỏ, dành cho những người biết sửa đổi tâm hồn, sống niềm tin phó thác vào Chúa.
Kính thưa cộng đoàn,
            Chúa đến, đem lại hòa bình, sự thịnh vượng, sự bình an và ơn cứu độ cho hết mọi người. Đó là một Nước của sự giao hòa, không còn chia rẽ, hận thù. Nước của bình an và niềm hạnh phúc, không còn chiến tranh, Nước của sự bình an mà muôn dân hằng mong đợi. Bởi thế, tác giả thánh vịnh 71, 2.7-17 đã cầu nguyện xin cho nước ấy mau ngự đến: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại Người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng”. “Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo hèn khỏi tay kẻ quyền thế và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ”.
            Khi đã trở thành con cái của Nước Trời, chúng ta phải có một cuộc sống mới, cuộc sống mới trong Nước Trời là sự thông cảm cho nhau, tiếp rước nhau và phục vụ nhau. Đó là lời dạy của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma trong bài đọc II: “Xin Thiên Chúa nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Ki-tô” (Rm 15,5). “Anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu Ki-tô đã tiếp nhận anh em để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm15,7). Và “Vì để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Đức Giêsu Ki-tô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu để xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ…vì vậy, lạy Chúa, tôi sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại” (Rm 15, 8-9).
            Kính thưa cộng đoàn,
            Chúng ta đang trên đường tiến về Nước Chúa, nơi đem lại sự bình an, hạnh phúc đích thực. Chúng ta sẽ là công dân đích thực của Nước Chúa. Chúng ta sẽ có cuộc sống mới, và cuộc sống mới đó đã và đang được thể hiện ngày ở cuộc sống hiện tại này. Chúng ta đã làm được chưa, đã sống như thế nào, và chuẩn bị hành trang gì cho xứng đáng là công dân của Nước Trời ngay tại trần thế này?
            Vẫn biết con người chúng ta là yếu đuối, là tội lỗi, là nhân vô thập toàn. Chúng ta hãy bắt đầu bằng các việc làm mà bài Tin mừng hôm nay đã dạy, để chúng ta sống xứng đáng là công dân Nước Trời: Ăn năn sám hốisửa lối cho ngay thẳng, san phẳng những hố ghập ghềnh để Chúa đi.
            “Hãy ăn năn sám hối, vì nước trời đã gần đến. Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mt 3, 2-3).
Ăn năn sám hối trở về, là từ bỏ lối sống cũ, trở về sống cuộc sống mới, cuộc sống trong Đức Giêsu, từ bỏ lối sống xa Chúa, trở về sống với Chúa và trong Chúa, từ bỏ lối sống thờ ơ, lãnh đạm, xa lánh, trở về sống gần gũi, thân mật với Chúa.
Ít nhiều trong chúng ta đã có những cách sống không phù hợp, hoặc đối nghịch với Lời Chúa: là những đam mê sai lạc, những tranh chấp danh vọng, tiền tài, quyền hành bất chính. Hay lối sống của kiêu căng, ngạo mạn, tâm đia gian mạnh, không trung thực, giả hình. Hay có những khi vì yếu đuối mà cuộc sống chúng ta trở nên thiếu sót, yếu hèn, lỗi phạm, thiếu lòng tin, niềm trông cậy và lòng mến nơi Thiên Chúa.
Chúng ta hãy đứng lên, và đến với bí tích Hòa Giải, để giao hòa với Chúa và với anh em, nhờ đó tâm hồn chúng ta sẽ trở nên tươi mới, xứng đáng đón nhận Chúa vào tâm hồn mình. Khi tâm hồn được thư thái bình an, chúng ta sẽ có một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Làm được như vậy, chúng ta phải không ngừng cầu xin Thiên Chúa, ban cho chúng ta có một tâm hồn nghèo khó, siêu thoát, khiêm nhường, chân thật và một lòng đạo đức sốt mết. Hơn nữa, chính bản thân chúng ta phải không ngừng nỗ lực rèn luyện qua việc:
- Năng tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa.
- Năng đọc và suy niệm Lời Chúa, để Lời Chúa sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta biết phải làm gì, và làm như thế nào cho xứng.
- Năng xét mình và kiểm điểm đời sống hàng ngày
Khi làm những việc này với lòng yêu mến và nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ được Chúa biến đổi trong Thần Khí Chúa.
            Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa hãy đến, xin Chúa đến với chúng con, biến đối chúng con nên con người mới. Xin cho chúng con biết sống theo tiếng nói Tin Mừng của Chúa, để mỗi ngày, chúng con được tiến đến gần Chúa hơn, xứng đáng là công dân Nước Trời. Amen.


                                               Sơn Tây, ngày 04 tháng 12 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục

                                                                               


 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates