Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Khiêm tốn cầu nguyện

CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM


9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."  (Lc 18, 9-14)

Giáo huấn :
Chúa nhật này tiếp nối Chúa nhật trước về sự cầu nguyện.
Tuần trước, chúng ta nghe câu chuyện một bà góa cô thế cô thân nài nỉ ông thẩm phán bất lương minh oan cho mình. Bà đã được nhậm lời nhờ kiên trì nài xin. Chúng ta học được bài học cầu nguyện phải bền chí. Ai kiên trì cầu nguyện sẽ được nhậm lời.
Tuần này, Chúa kể dụ ngôn hai người, một biệt phái và một thu thuế, lên đền thờ cầu nguyện. Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ?

Diễn giải :
Bài Tin Mừng thuật lại người biệt phái đứng kề cung thánh, tự hãnh là người công chính : “Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa, vì tôi không như bao kẻ khác : tham lam bất chính, ngoại tình”. Ông so sánh mình với kẻ khác : “Tôi không như tên thu thuế kia”.  Ông kể những việc tốt đã làm : “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của tôi”. Người biệt phái nhìn vào mình và chỉ thấy những điều tốt và hoàn hảo mà quên rằng mình có những tội tầy đình như giả hình, háo danh, hám địa vị, độc ác, xét nét nhỏ nhen, vụ hình thức, bất nhân..., nhiều tội lắm mà Chúa Giêsu đã vạch ra. Ngay trong lời cầu nguyện của ông đã có tội khinh miệt người khác.
Còn người thu thuế thì đứng ở cuối đền thờ, không dám nhìn Chúa, cũng không nhìn ông biệt phái, ông nhìn vào mình và thấy mọi tội lỗi của mình, đấm ngực tỏ lòng ăn năn sám hối và chỉ dám thưa : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi”. Lời cầu nguyện khiêm nhường của ông đã chạm đến lòng Chúa : “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”, “Chúa không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van” (BĐ 1).
Kết cục câu chuyện là :  “Người thu thuế ra về được nên công chính, còn người biệt phái thì không”. Người biệt phái không được nên công chính vì ông kiêu ngạo, ông đến đền thờ cầu nguyện chỉ để kể công với Chúa, ông nhìn vào mình để chỉ thấy cái tôi của mình. Chúa mắc nợ ông. Người thu thuế được nên công chính vì ông khiêm nhường, ông nhìn vào mình để thấy mình xấu xa, đớn hèn. Ông đến với Chúa để nài xin lòng xót thương, tha thứ, và ông đã được Chúa đóai thương.
Lời cầu nguyện khiêm nhượng cũng là lời cầu nguyện của đức tin (BĐ 2), như thánh Phaolô lúc nằm trong tù vì Chúa. Ngài đã giữ vững niềm tin đến cùng, không nao núng khi gặp thử thách.

Xét mình :
Tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa. Dù ta có làm được ít nhiều điều hay điều tốt, nhưng ta vẫn cần lòng thương xót Chúa. Hãy đến với Chúa với tất cả lòng khiêm nhường.
Khiêm nhường là nhân đức đầu tiên trong mọi nhân đức, kiêu ngạo là tội đầu tiên trong mọi thứ tội (kinh Cải tội bảy mối có bảy đức). Các thiên thần sa ngã vì kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, nên bị phạt làm ma quỷ; ông bà nguyên tổ cũng vì kiêu ngạo không vâng phục lệnh Chúa mà ăn trái cấm, phạm tội tổ tông và còn lưu truyền tới chúng ta.
Các thánh có những con đường nên thánh khác nhau, nhưng không vị thánh nào không có đức khiêm nhường. Ở trên thiên đàng, đố tìm thấy một vị thánh nào kiêu ngạo ; ngược lại, ở dưới hỏa ngục, bói mãi cũng không có ai có đức khiêm nhường cả !
Mỗi khi đến với Chúa, nhất là lúc cầu nguyện, ta hãy có tâm tình và thái độ đầu tiên là lòng khiêm nhường, vì ta đến trước mặt Thiên Chúa tối cao, quyền năng, ta chẳng là gì trước nhan Ngài, chỉ là tội nhân. Vì thế nếu có lòng khiêm nhường thì Chúa sẽ ghé mắt nhìn đến chúng ta, dễ đón nhận lời cầu nguyện của ta hơn.

Áp dụng :
- Cầu nguyện với lòng khiêm nhường. Chúa nhậm lời người khiêm nhường, còn người kiêu căng Chúa không ưa : “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống ; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Học nơi người thu thuế : đứng cuối đền thờ, cúi đầu, đấm ngực ăn năn, miệng thì thầm lời cầu xin Chúa thương xót mình.
- Cầu nguyện với lòng tin. Lời cầu nguyện phải xuất phát từ niềm tin. Nhớ lại những câu chuyện Tin Mừng trong đó Chúa đòi người xin ơn phải có niềm tin đã, dù là niềm tin bất toàn. Chúa ban ơn để tăng cường niềm tin cho họ.   
- Cần nhìn vào mình để biết mình, đừng so sánh với người khác. Có tốt hơn người, cũng không vì thế mà tự tôn ; có xấu hơn người, cũng không vì vậy mà tự ti. Chỉ khi nhìn vào mình, ta mới biết rõ mình ; còn nếu nhìn vào người khác, ta sẽ khó nhận biết mình.
- Khi cầu nguyện, ta cũng đừng kể lể những gì mình làm được, vì nếu không có ơn Chúa giúp, ta chẳng làm được những việc ấy đâu ! Thánh Phaolô : “Tôi có là gì, là do ơn Chúa”.
- Người biệt phái cầu nguyện dài dòng mà không có phẩm chất, còn người thu thuế chỉ một lời cầu nguyện ngắn thôi, nhưng cô đọng tất cả tâm tình của ông vào đó. Xét lại việc cầu nguyện của mình, có khi chỉ mới có lượng mà không có phẩm. Ta dễ rơi vào việc cầu nguyện hình thức, đọc kinh như cái máy, chưa phải là cầu nguyện đích thực. Thà đọc ít kinh mà với tâm tình, thì hơn là đọc cho nhiều mà không có tâm tình : “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa Ta”.

Kết thúc :
Giờ đây cộng đoàn tiếp tục dâng lễ. Xin cho lời cầu nguyện của chúng ta thật sự xuất phát từ tấm lòng chúng ta, với lòng tin, với tâm tình sám hối, với lòng mến yêu Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates