Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Tâm tình biết ơn

CHÚA NHẬT XXVIII TNC
(2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)


Phêrô Trần Văn Hương

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

            Kính thưa cộng đoàn,
            Chuyện kể rằng: Trong một chuyến bay từ Rô-ma về New York, Đức Tổng Giám mục Fulton Shee chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Cha, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi:
            - Thưa Đức Cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế? Đức Cha nở một nụ cười tươi và đáp: Vì đôi mắt của con rất đẹp!
            - Cô tiếp viên hỏi: Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây?           - Đức Cha trả lời: Con ạ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của từng người trong trại cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa.
            Và một thời gian sau, người ta đã thấy người phụ nữ xinh đẹp này ngày đêm tận tụy băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong tại trại cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu.
Kinh thưa cộng đoàn,
            Bệnh Phong là căn bệnh nan y khó chữa, ai cũng ghê tởm và sợ hãi. Vào thời Đức Giêsu, bệnh này còn khoác vào người bệnh một nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt, bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một nơi xa thật xa mọi người, xa cả chính người thân của mình. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên thật to rằng: Tôi bị bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp, để cho mọi người biết mà tránh xa (x. Lv 13,1-44).
            Bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca kể lại cho chúng ta về quyền năng tuyệt vời của Đức Giêsu. Chúa đến trần gian và Ngài cảm thông với những nỗi đau khổ của nhân loại. Một trong những nỗi đau mà Ngài lưu tâm tới đó là đau khổ về bệnh tật thể xác. Ngài biết chắc con người sẽ không có hạnh phúc nếu bị bệnh tật, đau ôm. Và sự thường, bệnh tật đi kèm theo là cái chết, đó là nỗi tuyệt vọng và đau  khổ nhất của con người. Chúa chạnh lòng thương trước những đau khổ và thử thách của con người. Ngài đã tỏ lòng từ bi thương xót, Ngài đã dùng quyền năng của Ngài; chỉ một lời phán thì mọi vết thương của thể xác và nỗi đau trong tâm hồn đều tan biến hết.
Căn bệnh quái ác mà họ cứ tưởng phải gánh chịu suốt cả cuộc đời, nỗi ô nhục mà họ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn theo họ đi về thế giới bên kia, thì này đã được sạch hoàn toàn chỉ bằng một lời phán. Vâng, chỉ bằng một lời quyền năng Thiên Chúa phán ra và lòng thương xót của Ngài, họ như đã chết nay được sống lại, niềm vui như vỡ òa trong tim. Vậy mà, trớ trêu thay; Tin mừng thuật lại cho chúng ta rất rõ: mười người phong cùi đều được chữa lành, chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa, hơn nữa người đó lại là người ngoại đạo, còn chín người kia là người Do thái, là người có đạo. Họ tự hào mang danh là người của Chúa, coi mình là con cái của Chúa, là dân được Chúa tuyển chọn lại sống một cách vô ơn. Vô ơn đến nỗi Chúa phải thốt lên một câu thật là chua xót: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này” (Lc 17,17-18). Thật là chua xót.
Kính thưa cộng đoàn, Chúa Giêsu coi trọng lòng biết ơn cũng chỉ vì ích lợi của người được ơn mà thôi. Người ngoại đạo trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ta ơn phần xác, thì Ngượi lại ban thêm cho anh ta ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh ta. Người nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Như vậy, cám ơn là một cơ hội để ta nhận được thêm ơn khác.
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ân huệ từ con người, có những ân huệ từ Thiên Chúa. Vậy nếu cuộc sống của chúng ta là lãnh nhận thì chúng ta sẽ như thế nào nếu không biết nói hai tiếng cám ơn. Nếu không nói quá: con vật còn biết vẫy đuôi cám ơn chủ khi ném cho nó cục xương, còn con người lại không biết nói lời cám ơn khi được nhận ơn sao? Hay chỉ biết trố mắt nhìn và nín lặng?
Quan sát cuộc sống gia đinh, thì một em bé khi tập nói bập bẹ trong một già đình có giáo dục, tiếng cám ơn luôn nằm sẵn trên bờ môi. Một người có nhân cách thực sự là một người biết cám ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn thực sự, đó mới là một con người. Bởi lòng biết ơn là một đức tính nhân bản, là một nét cao đẹp nhất của con người.
Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là một bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một lời nói cám ơn với tất cả lòng chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.
Kính thưa cộng đoàn,
Cuộc sống của Chúa Giêsu là một “bài ca tạ ơn”. Người tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và biến cố cuộc đời; ta ơn Thiên Chúa trước khi cho Lazaro sống lại, trước khi làm cho bánh hóa nhiều, trước khi lập phép Thánh thể… Đức Giêsu không chỉ là một khuân mẫu cho chúng ta về lòng biết ơn, mà Ngài con dạy chúng ta phải biết thể hiện lòng biết ơn ấy trong từng giây phút của ngày sống, qua mọi biến cố cuộc đời chúng ta. Chính vì thế, thánh lễ hàng ngày Giáo hội cử hành đều gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn.
Chúng ta đã và đang thực hiện điều này như thế nào? Chúng ta giống ai? Giống người phong cùi ngoại giáo, cho mình là người “ở ngoài”, chẳng có lý do gì để được hưởng ơn đó, nên khi nhận được thì rất biết ơn. Hay chúng ta đang ở trong nhóm 9 người, luôn coi mình là kẻ “ở trong nhà”, là tín hữu, là con Chúa, thì điều đó là đương nhiên,  Chúa phải ban, không cần phải cám ơn. Đó là một điều sai, chúng ta cần phải ý thức lại để sống đúng và sống tâm tình biết ơn.
Làm được điều này, trước hết chúng ta hãy tập nói lời cám ơn. Cám ơn ngay từ những việc nhỏ nhất, vì việc nhỏ không làm thì việc lớn sẽ rất khó để chúng ta làm. Và hãy làm ngay từ những người thân trong gia đình, những người sống chung quanh chúng ta. Lời cám ơn phải luôn ở trên môi miệng chúng ta. Chúng ta cũng hãy tập cám ơn ngay cả trong những hoàn cảnh, những công việc không xẩy ra theo ý muốn, chuyện vui cũng như chuyện buồn, thành công cũng như thất bại, khỏe mạnh cũng như bệnh tật. Khi làm được những điều này, sẽ giúp chúng ta biết ý thức và nhìn nhận rằng cuộc đời chúng ta được dẫn dắt bởi bàn tay yêu thương và kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nói như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng rằng: “Tất cả đều là hồng ân”.
Tiếp đến, chúng ta phải từ bỏ tính ích kỷ. Bởi tính ích kỷ, nên chúng ta luôn muốn người chịu ơn phải tỏ lòng biết ơn chúng ta, còn khi chúng ta chịu ơn thì chúng ta lại không tỏ lòng biết ơn. Chúng ta làm ơn cũng là để biết ơn, như thế là chúng ta làm vì mình chứ không vì người khác. Hãy học nơi Đức Giêsu: Ngài muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn không phải vì Ngài mà vì lợi ích của chính chúng ta. Chúa không nghĩ cho bản thân mình mà nghĩ cho chúng ta khi nói: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?”. Đó là Chúa nghĩ cho những người bệnh phòng cùi, Ngài muốn họ tỏ tâm tình tốt đối với Thiên Chúa, và nhờ đó họ có mối liên hệ tốt với Thiên Chúa, từ mối liên hệ này, sẽ phát sinh ra các mối liên hệ khác.
Cuối cùng, chúng ta hãy biết luôn nói lời cám ơn Chúa bằng chính cuộc sống phục vụ tha nhân. Giống như người nữ tu trong câu chuyện, khi nhân ra được hông ân lớn lao Chúa ban, người nữ tu đã cám ơn Chúa bằng cuộc sống phục vụ những người bệnh phong cùi. Còn mỗi chúng ta, qua một ngày sống, chúng ta nhận được biết bao ơn lành, nhưng lại không nhận ra đó là ơn Chúa ban, chúng ta không biết cám ơn, chúng ta đã trở thành người vô ơn với Chúa. Chúng ta giống như chín người phong cùi kia, không nhận ra ơn Thiên Chúa ban, nên không quay lại để tạ ơn. Ngay từ giờ phút này, chúng ta hãy nói lời cám ơn Chúa, đặc biệt qua mỗi thánh lễ, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả cuộc sống và con người chúng ta làm của lễ tạ ơn, kêt hiệp với chính của lễ là Đức Giêsu để cảm tạ Thiên Chúa. Đó là lời cám ơn có giá trị nhất cho cuộc sống chúng ta. Sau mỗi thánh lễ, chúng ra hãy ra về với lòng phấn khởi vui tươi, với tâm tình cảm tạ và vui sướng để sống kết hiệp mật thiết với Chúa hơn, nương tựa vào Chúa trong từng giây phút của đời sống chúng ta. Amen.


                                               Sơn Tây, ngày 10 tháng 10 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates