Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Niềm tin kẻ chết sống lại

CHÚA NHẬT XXXII TNC
(2Mcb 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38)

NIỀM TIN KẺ CHẾT SỐNG LẠI


Phêrô Trần Văn Hương
           
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
            Chết rồi con người đi về đâu? Và có sự sống sau khi chết hay không? Đó là câu thắc mắc lớn trong cuộc đời con người. Có rất nhiều những ý kiến trái ngược nhau: Người vô thần, họ chủ trương chết là hết. Người theo Phật giáo, họ chủ trương có kiếp luôn hồi…Vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta, có phải chết là hết không? Chết rồi con người phải đầu thai sang một kiếp sống phải không? Còn Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay dạy ta biết điều gì sau cái chết?
            Kính thưa cộng đoàn,
            Thời xa xưa, khi mạc khải của Thiên Chúa chưa được tỏ hiện cách trọn vẹn, người Do Thái cũng tin như dân ngoại: họ tin rằng sau khi chết, phần linh hồn của con người vẫn tồn tại, và tồn tại trong cõi âm phủ tối tăm không có ánh sáng, linh hồn kẻ lành người dữ sau khi chết đều phải rơi vào cõi âm phủ buồn thảm. Còn phần xác thì tiêu tan, không hy vọng sống lại được. Mãi cho đến thời anh em nhà Macabê, có trước Đức Giêsu khoảng 100 năm, đứng lên dành độc lập cho đất nước Do Thái, mặc khải của Thiên Chúa mới cho biết xác loài người sẽ được sống lại. Niềm tin đó được ghi lại trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Macabê, nói về một bà mẹ có 7 người con bị bắt và bị dụ dỗ bỏ đạo dưới thời vua An-ti-ô-kô. Đoạn sách thánh chỉ kể lại cái chết của 4 người con, và trước khi chết tất cả đều khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi” (Mcb7,2), “Vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (Mcb 7,9). Tuy mặc khải về niềm tin kẻ chết sống lại có từ thời này, nhưng mãi cho đến thời Chúa Giêsu vẫn còn có nhiều người không tin. Đại diện cho những người đó là nhóm Sa-đốc. Họ không tin nên khi nghe Chúa nói về vấn đề kẻ chết sống lại, họ đã mỉa mai Chúa, chế giễu Chúa. Họ tìm cách gặp Chúa và đặt ra cho Chúa một câu hỏi nhằm mục đích chế giễu Ngài. Họ đưa ra câu chuyện dựa vào luật Mô-sê để chất vấn Chúa. Một nhà kia có 7 người con trai, người anh cả lấy vợ rồi chết, rồi người em phải lấy người vợ đó để sinh con nối dõi cho anh mình, và cứ như thế, cho đến người con thứ 7, cũng lấy vợ đó rồi chết đi mà vẫn không có con, rồi người vợ đó cũng chết. Vậy khi sống lại thì người vợ đó sẽ là vợ của ai?
            Kính thưa cộng đoàn,
            Khi hỏi như thế, nhóm Sa-đốc không cần Chúa trả lời người đàn bà đó sẽ phải là vợ của ai, nhưng họ muốn đưa Chúa vào thế tiến thoái lưỡng nan, và phải công nhận giáo lý về việc kẻ chết sống lại là một trò đùa, một chò hề, một sự lố bịch, và buộc Chúa phải cộng nhận giáo lý của họ là đúng, là chân thực. Thật tuyệt vời, câu trả lời của Chúa vượt lên trên cả sự mong đợi của họ. Chúa Giêsu không chỉ cho họ biết về việc kẻ chết sẽ sống lại, mà Ngài còn trả lời cách thẳng thắn về việc ai sẽ là chồng của người vợ. Đức Giêsu đã dùng chính Thánh Kinh để chứng minh cho họ biết vấn đề kẻ chết sống lại là có căn cứ, bởi Thánh Kinh chính là chính Lời Chúa. Thiên Chúa đã phán: “Ngài là Chúa của Abraham, Isaac, Giacop, và Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20, 37-38). Ngài nhấn mạnh thêm rằng: sau khi sống lại, người ta không còn sống theo những tiêu chuẩn và điều kiện của đời này. Ngài nói: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,34-36).
            Kinh thưa cộng đoàn,
            Chúa dạy cho chúng ta biết sau khi chết con người sẽ sống lại. Điều đó được nhắc lại mỗi ngày khi chúng ta đọc kinh Tin Kính. Chúng ta tuyên xưng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta đọc rất trôi chảy, rất vững chắc, như là điều hiển nhiên chúng ta đã tin, và tin cách dễ dàng. Nhưng có lẽ nhiều khi chúng ta cũng giống với tâm trạng của nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt nam, đó là Cao Bá Quát. Ông ta nghĩ rằng cuộc đời này rất vắn vỏi, có dài lắm thì chỉ là 3 vạn 6 ngàn ngày mà thôi (100 năm), sau đó thì ai cũng chết, mà khi chết là hết tất cả, không mang theo được gì đi, cho nên còn sống được bao lâu thì hãy lo mà ăn chơi, tiêu sài, hưởng thụ, rượu chè cho thỏa thích. Bởi thế ông đã viết lên mấy câu thơ để đời như sau:
“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy những nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo”
            Tới đây, chúng ta có thể đưa ra hai hạng người:
Hạng người thứ nhất có chung quan niệm với Cao Bá Quát, đó là những người không tin có sự sống lại. Vì quan niệm như vậy, cho nên họ có sống buông thả, có chạy theo hưởng thụ thì cũng là điều hợp lý thôi. Còn chúng ta, những người con của Chúa, chẳng lẽ chúng ta cũng sống như họ sao? Chỉ biết quan tâm đến các nhu cầu ăn mặc, mua sắm, tiêu sài, chơi bời và thỏa mãn các nhu cầu vật chất sao?
Hạng người thứ hai không giống như hạng người thứ nhất. Họ là những người mải mê kiếm tiền và rất coi trọng cuộc sống vật chất, nhưng họ không quên đời sống mai sau. Họ ít đến nhà thờ, ít đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại chịu khó bỏ tiền ra để xin lễ, chịu khó bỏ tiền đóng góp cho các công trình xây dựng nhà thờ, những cuộc khuyên góp của giáo họ, giáo xứ, giáo phận và các hội đoàn. Họ làm như vậy để được yên tâm vì nghĩ rằng mình đã bỏ vốn ra để mua lấy sự sống đời sau. Khi làm như thế, có phải là niềm tin tin vào sự sống đời sau không? Có lẽ cũng đúng, nhưng đó lại là một niềm tin lệch lạc vì hạnh phúc và sự sống đời sau không thể được mua bằng tiền bạc. Đời này thì có tiền mua tiên cũng được, nhưng đời sau thì không.
            Lời Chúa dạy chúng ta có sự sống đời sau, vậy chúng ta phải làm gì để thể hiện niềm tin đó? Chúng ta phải làm sao để minh chứng cho mọi người về niềm tin có sự sống lại? Trước hết, chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy được ngoài những giá trị thuần túy vật chất của đời này như tiền bạc, cơm áo, tài sản còn có những giá trị tinh thần quý giá hơn. Tiếp đến, chúng ta phải biết đánh giá những biến cổ xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày bằng con mắt đức tin: người không tin có sự sống đời sau thì sợ chết, sợ bệnh tật, sợ mất mát, sợ đau khổ. Còn chúng ta, những người đã có đức tin, tin có sự sống đời sau, thì cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, là chóng qua, là thay đổi. Cuộc sống đời sau mới là vĩnh cửu, cho nên chúng ta phải biết dành một phần thời gian cho công việc làm ăn sinh sống, một phần thời gian để gần gũi và giáo dục con cái, một phần thời gian nữa cho công việc xây dựng tương quan xã hội và đặc biệt một phần thời gian để lo việc đạo cho đời sống mai sau.
            Chúng ta hãy nhớ rằng: “Gieo gì thì gặt nấy”: nếu chúng ta dành hết thời gian cho đời này để lo tiền bạc vật chất, chúng ta chỉ gặt được tiền bạc vật chất mà thôi; nếu chúng ta không dành thời gian để xây dựng hạnh phúc gia đình thì không có gì là lạ, nếu gia đình không có hạnh phúc; và chắc chắn, nếu chúng ta không đầu tư thời giờ và công khó để lo cho đời sau thì chẳng mong gì đời sau chúng ta có hạnh phúc.
            Ngạn ngữ phương Tây có câu:
            “Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con lợn.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tể.
Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt”.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Thiên Chúa dựng nên con người để con người có hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm ở đời này mà thôi, mà là một hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Vì cuộc sống là một hành trình tiến về đời sau, về với Chúa là Đấng hằng chờ đợi và yêu thương ta mãi mãi. Nên chúng ta đừng mải mê với những hạnh phúc, những lạc thú chóng qua mà quên đi cùng đích cuộc đời chúng ta là được gặp Chúa nơi thiên đàng hạnh phúc. Chúng ta đừng giống như những người đang sống ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ sống như thế là họ đã chết ngay khi đang sống. Còn chúng ta, chúng ta không chỉ tìm kiếm của cải vật chất trần gian, làm phương tiện đảm bảo cho đời sống này, mà còn phải hăng say tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức, làm đảm bảo cho cuộc sống mai sau trên quê trời. Amen.
           
                       
                                                                                                                                                                                      


                                               Sơn Tây, ngày 10 tháng 10 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates