Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Ngày Chúa đến bất ngờ

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A
(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)


Phêrô Trần Văn Hương

NGÀY CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ
           
            Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội bước vào năm Phụng vụ mới, với hành trình mới, hành trình của đức tin. Khởi đầu cho năm phụng vụ là Mùa vọng, được kéo dài trong bốn tuần lễ. Đây là thời gian đặc biệt Giáo hội mời gọi con cái mình mừng kỷ niệm biến cố Chúa Nhập Thể làm người, mặc lấy xác phàm, trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, và đặc biệt mời gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Chúa quang lâm. Đó là hai ý nghĩa chính trong mùa vọng.
            Thực tế, nhiều khi chúng ta lầm tưởng Mùa vọng là mùa chỉ mong chờ Lễ Giáng Sinh, cho nên bắt đầu bước vào Mùa vọng, các giáo xứ, giáo họ, các gia đình, bắt đầu lên chương trình cho việc tổ chức mừng lễ thật hoành tráng, linh đình; làm sân khấu, tập múa hát, tập kịch, trang trí đèn điện, viết thiệp chúc mừng…. Mọi cộng việc đã làm cho chúng ta quên đi phần quan trọng và chính yếu của Mùa vọng là mong chờ Chúa đến. Bởi thế, công việc chúng ta cần chuẩn bị hơn, là trang hoàng tâm hồn, sửa soạn con tim, để sắn sàng đón chờ Chúa đến.
            Chúa đến, Ngài sẽ ban cho chúng ta một tương lai, một tương lại thật tốt đẹp và hạnh phúc. Tương lai đó đã được tiên tri Isaia tiên báo trong bài đọc thứ nhất: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi” (Is 2,2). Nhờ đức tin: “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp” (Is 2, 2-3). Tại nơi đây, Thiên Chúa sẽ dạy cho ta biết lối của Người và để ta bước theo đường Người chỉ vẻ. Khi toàn dân quy tụ về bên Chúa, Ngài sẽ đứng ra để làm trọng tài, phân xử công mình cho mọi quốc gia.  Một cuộc sống thái bình, thinh vượng cho những ai nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa: “ Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.      Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).
Ngày bình an và hạnh phúc sẽ đến, chắc chắn là sẽ đến, những đến khi nào, lúc nào và ở đâu, quả thực không ai biết. Bởi thế, Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, đã dạy chúng tả phải biết canh thức và sẵn sàng vì:
Ngày ấy sẽ đến một cách bất ngờ giống như thời ông Nô-ê. Ngài biết con người ở thời của Ngài và của mọi thời đại, chỉ thích sống hưởng thụ, lo làm giàu, sống tiện nghi, lo cưới vợ gả chồng…chỉ lo cho những chuyện thế tục, không biết đến ngày Chúa quang lâm. Đức Giêsu nói:  “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy” (Mt 24,37-39). Qua câu chuyện này, Đức Giêsu cho ta thấy sự khác nhau giữa thiên hạ và ông Nô-ê ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Thiên hạ bị nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết, còn ông Nô-ê đã chuẩn bị sẵn cho mình những điều cần thiết khi cơn nước lũ đến.
Ngày Chúa đến không ai biết, và đến một cách bất ngờ, giống như chủ nhà kia không biết tên trộm đến vào giờ nào. Nếu biết  trước giờ nào kẻ trộm đến, thì chắc chắn không để cho tên trộm khoét vách vào nhà mình. Vậy, chúng ta phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng khi Chúa đến với mỗi người chúng ta, là ngày chúng ta không còn ở trần gian này.
Trước hết, chúng ta hãy có một cuộc tỉnh thức và cảnh giác. Vì không tỉnh thức và cảnh giác, chúng ta sẽ rước tai họa vào mình. Tên trộm trong câu chuyện Đức Giêsu kể, sẽ đến cách bất ngờ không báo trước. Điều bất ngờ sẽ làm cho gia chủ mất cảnh giác, không để ý tới, đây chính là lúc thuận tiện để tên trộm hành động. Nói đến việc phải sống cảnh giác, đôi khi làm chúng ta hiểu lầm Chúa giống như tên trộm. Khi chúng ta sống không cảnh giác thì Chúa sẽ đến. Không phải như thế, mà Chúa muốn chúng ta phải luôn luôn sống trong sự sẵn sàng, đợi ngày Chúa đến bất cứ lúc nào, khi nào. Vì Chúa đến sẽ đem niềm vui, sự bình an. Chúa không đến để làm cho chúng ta phải đau khổ và sợ hãi, như tên trộm.
Tiếp đến, chúng ta phải luôn có thái độ sống ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, giây phút chúng ta đang sống đây là giây phút cuối cùng của cuộc đời. Vì thái độ sống của con người hôm nay, luôn cho rằng chúng ta còn nhiều thời gian, cứ từ từ, ngày mai sẽ tính. Bây giờ cứ sống cho thoải mái, ăn chơi cho thỏa thích, khi nào sắp chết hãy tính; Chỉ cần ăn năn xứng tội, là Chúa sẽ tha hết. Nhưng cuộc sống không ai học được chữ ngờ, chúng ta chỉ biết được ngày sinh ra, nào ai biết được ngày mình sẽ chết.
Lịch sử có ghi lại câu chuyện sau đây, phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói: “Để mai sẽ hay”. Và đêm hôm đó ông bị giết chết.
Vị pháp quan Archais đã bỏ qua sứ điệp ấy sang một bên vì ông không ngờ rằng mình sắp chết. Nếu chúng ta không muốn giống như vị pháp quan đó, chúng ta phải làm gì?
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa đã báo trước rằng: ngày Chúa đến rất bất ngờ, không ai biết. Cho nên, chúng ta cũng phải sẵn sàng, tỉnh thức để đón chờ ngày đó, qua việc năng đọc kinh, tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa hằng ngày. Chỉ có như thế, chúng ta mới mong được Chúa ban thưởng Nước trời, là quê hương đích, nơi sự bình an, hạnh phúc viên mãn đang chờ đợi chúng ta. Amen.



                                               Sơn Tây, ngày 26 tháng 11 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục

                                                                            Đã ký


Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Chân dung Cha Phêrô DOÃN QUANG NGỌC (1902–1995)

Cha Phêrô DOÃN QUANG NGỌC (1902–1995)

TIỂU SỬ:
– Sinh 1902 tại họ giáo Vĩnh Thọ, giáo xứ Bách Lộc (nay là giáo xứ Vĩnh Thọ), xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội).
– 1917: vào trường tập Hưng Hóa.
– 1919: học Tiểu chủng viện Hà Thạch.
– 1925: mãn Tiểu chủng viện, giúp cha Giuse Đặng TâmThuần ở giáo xứ Dư Ba.
– 1927: học triết và thần học tại Kẻ Sở (Sở Kiện)
– 01/4/1933: thụ phong linh mục tại TGM Hưng Hóa.
– 1933-1938: phó xứ Hà Thạch, giúp cha Lê Khanh.
– 1938-1947: chánh phiên Trù Mật, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ.
– 06/8/1947-28/11/1995 chánh xứ Chiêu Ứng, xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
– 28 tháng 11 năm 1995: qua đời.
CHÂN DUNG:
1. Yêu thương đoàn chiên:
– Chấp nhận hy sinh
Chúa Giêsu đã phán: “Ta là mục tử tốt lành ... Ta thí mạng sống vì đoàn chiên”. Theo sát vị mục tử Giêsu, cha già Phêrô đã thốt lên: “Vì yêu giáo dân mà tôi ở lại miền Bắc” (sau năm 1954). Ở lại miền Bắc lúc đó, các linh mục phải chấp nhận cảnh đấu tố, giam cầm. Cha bị giam ở chuồng trâu của một người lương dân xóm Hồng Sơn (xã Sơn Cương) mấy tháng, rồi bị đấu tố ở Chiêu Ứng, sau đó còn bị điệu đi Đồng Xa, Đại An, Trù Mật để cho chính những người đã được cha già cưu mang vu oan cáo vạ!
Thế nhưng sau vụ đấu tố đó, những giáo dân này vẫn được cha già yêu thương, tin dùng và nâng đỡ. Có người hỏi: “Sao cha vẫn dùng họ?” Ngài trả lời: “Họ nhẹ dạ, họ mắc mưu, chấp làm gì!”
– Chấp nhận gánh nặng
Một số cha trẻ di cư vào Nam, một số cha già được Chúa gọi về dần, các chủng viện bị đóng cửa, các giáo xứ dần dần vắng bóng chủ chăn. Cha già Phêrô là cha xứ Chiêu Ứng, nhưng đồng thời phải coi sóc giáo dân tận Lào Cai, Sapa... cách xa ba bốn trăm cây số, trong khi phương tiện giao thông chỉ là một chiếc xe đạp super globe. Vào những năm cuối đời, dù đã tám chín mươi tuổi rồi, cha vẫn còn phải coi sóc thêm những giáo xứ lân cận như Phi Đình, Trù Mật, Vân Thê... trên mười ngàn giáo dân.
– Xây dựng đức tin và cơ sở vật chất
Coi sóc nhiều như vậy, cha già không những đến dâng lễ, ban các bí tích, mà còn lo xây dựng đức tin và cơ sở vật chất nữa. Tất cả những nơi cha già coi sóc đều được chính ngài ra chương trình học, ôn thi kinh bổn (giáo lý) mỗi năm hai kỳ vào dịp Lễ Phục sinh và Lễ Các thánh.
Các hội đoàn như Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Phêrô, Hội Thánh Antôn... do ngài thành lập vẫn sinh hoạt đều đặn. Riêng nơi cha già trông coi, các cuộc rước hoa, rước Thánh Thể vẫn tổ chức rất long trọng.
Các nơi thờ tự trong địa bàn cha già coi sóc vẫn được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới, trong khi tại các xứ khác bị phá hủy hoặc không được tu sửa.
2. Bác ái xã hội:
Với tinh thần quảng đại, tha thứ và yêu thương phục vụ, cha già Phêrô còn tích cực hỗ trợ nhiều nơi xây dựng trường sở rộng rãi cho con em học văn hóa, như trường phổ thông cơ sở Sơn Cương, trường Ninh Dân thuộc huyện Thanh Ba, trường Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ.
Những gia đình nghèo khổ luôn được cha quan tâm đặc biệt: cha giúp họ tiền đong gạo, cha không nhận bổng lễ khi  họ đến xin cha làm lễ. Suốt đời cha không sắm cho mình một vật gì sang trọng; cha thường nói: “Chúa Giêsu sống nghèo, tôi cũng sống nghèo; Chúa Giêsu bênh vực người nghèo, tôi cũng đi với người nghèo.”
3. Tinh thần kỷ luật:
Nói đến tinh thần kỷ luật của cha già là phải nói đến việc giữ giờ giấc: giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc trí óc, giờ lao động chân tay, giờ dâng lễ, giờ cầu nguyện; sáng, trưa, tối, mùa hè oi bức cũng như mùa đông giá lạnh, không khi nào cha sai giờ. Điều đáng khâm phục là khi ngài báo giờ lễ ở một nơi nào, dù xa xôi (như Đồng Xa, Trù Mật) mà không thể đi xe được vì thời tiết quá xấu, ngài quàng áo mưa, chống gậy đi bộ cho kịp giờ đã định.
Có thể nói, trong các linh mục còn ở lại miền Bắc, cha già Phêrô là người có tuổi linh mục cao nhất: 62 năm, 7 tháng, 27 ngày. Và cũng có thể nói, trừ những tháng bị giam giữ năm 1954, ngài đã không bỏ một thánh lễ nào. Sáng ngày 28 tháng 11 năm 1995, ngài dâng thánh lễ cuối cùng, sau đó thấy mệt, tuy được các y bác sĩ điều trị, nhưng tối hôm đó ngài đã an nghỉ trong Chúa.


GP Hưng Hóa

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua
Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan : "Homo homini lupus" : con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.
Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên : lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình ? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết ; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.
Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy ? Thưa vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người : tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau ; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.
Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau ; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, Đức Giáo Hoàng coi đó là chấm dứt chiến tranh.

CHÚA GIÊSU VUA CÁC VUA

Chúa Nhật Tuần XXXIV TNC - Lễ Chúa Kitô Vua
Lời Chúa: Lc 23,35-43

35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!" 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do Thái."

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" 40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" 43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

suy niệm: 

            CHÚA GIÊSU VUA CÁC VUA
           
           
Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến trong hy vọng, sốt sáng và hân hoan. Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ này, chúng ta cùng toàn thể Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu là Vua; Ngài là Vua trên các vua, là vua vũ trụ, Vua muôn loài thụ tạo. Mừng lễ Chúa Giêsu là Vua, chúng ta cùng nhau tìm hiểu tước vị làm Vua của Ngài dựa trong ba khía cạnh, dựa vào ba bài đọc trong thánh lễ: Đức Giêsu là Vua vũ trụ, Đức Giêsu Vua tình thương và Đức Giêsu vua của mỗi tâm hồn chúng ta.
            Trước hết, Đức Giêsu, vua vũ trụ. Ngài là vua vũ trụ, là vua cả trần gian, vua cả nhân loại. Trên thế giới, chúng ta nghe nói đến nhiều vị vua: Ở Châu Âu: Vua Nước Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan…ở Châu Á: vua nước Nhật Bản, Thái Lan... Châu Phi: vua nước Maroc…Châu Úc: vua nước Tonga…Tất cả các vị vua này đều có lãnh thổ, có triều đình, có quân đội để cai trị. Ngoài ra, chúng ta cũng còn nghe nói đến nhiều vị vua khác không nhất thiết phải có lãnh thổ, có triều đình như: “vua dầu lửa”, “vua xe hơi”, “vua bóng đá”, “vua tốc độ”…
Còn Đức Giêsu thì sao? Đức Giêsu được gọi là vua, Ngài là vua vũ trụ, vua của toàn thể nhân loại, nhưng Ngài không giống các vua trần gian bởi Ngài không lập lãnh thổ, không lập quân đội trên trần gian này... Ngài đã nói: “Các ông bởi hạ giới; còn Tôi, Tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi,Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 8,23), hay: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36). Đức Giêsu là vua, Ngài không chỉ là vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thức Ngài là vua hiểu theo cả nghĩa đen, nghĩa là Ngài đích thực là vua. Ngài là vua thực vì tên gọi của Ngài là “Đấng Ki-tô”.  “Đấng Ki-tô” là người được xức dầu. “Đấng Ki-tô” là tước hiệu của vua. Là “Người được Thiên Chúa tuyển chọn”, là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Hơn nữa, Ngài chính là Thiên Chúa thực, Ngài cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần đã tạo dựng nên trời đất, vũ trụ bao là cùng với muôn loại thụ tạo. Thánh Kinh đã cho ta rất nhiều dẫn chứng về điều này: “Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung cuộc, chính Ngài sẽ là Người ngự đến phán xét trần gian với tư cách là một vị vua (x. Mt 25,31-34).
Sách Samuel trong bài đọc I, tường thuật về cuộc phong vương cho Đa-vít, để kế nghiệp vua Saun. Đa-vít là vị vua thống nhất hai miền Nam-Bắc. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã nói với Đa-vít rằng: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân của Ta”. Qua câu nói này, chúng ta nhận thấy vua Đa-vít chỉ là người chăn dắt dân của Thiên Chúa. Thiên Chúa mới là Vua thật của dân Ngài. Cũng chính từ dòng dõi vua Đa-vít, Thiên Chúa đã tiên báo sẽ có một vị vua xuất thân từ nhà Đa-vít. Vua Đa-vít là hình ảnh của Chúa Giêsu là Vua. Ngài chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người.
Tước vị là vua của Đức Giêsu được nói cách rõ nét nhất khi Ngài bị treo lên cây thập tự. Tin mừng thuật lại rằng: Các nhà lãnh đạo Do thái chế nhạo Người khi viết dòng chữ: “Đây là vua người Do thái”, treo trên cây thập giá phía trên đầu Người. Hay binh lính cũng chế nhạo Người rằng: “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy tự cứu lấy mình đi”. Cũng thế, một trong hai tên gian phi chịu đóng đinh cùng với Ngài thưa rằng: “Thưa Ngài, khi Ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi cùng”.
Tiếp đến, Đức Giêsu, vua của tình thương. Đức Giêsu là vua, Ngài là vua khác với hết tất cả mọi vua chúa trên trần gian. Ngài không cai trị thần dân của Ngài bằng quân đội và quyền lực, nhưng bằng tình thương. Vâng, Ngài yêu thương hết mọi người, không loại trừ ai; người yêu người mạnh khỏe, người ốm đau, người bệnh tật, đui què…hơn thế nữa, Ngài yêu chính cả những kẻ thù của mình, yêu chính người sỉ nhục và giết chết mình. Ngài yêu thương con cái của Ngài như người mục tử yêu thương đoàn chiên. Ngài yêu thương đến độ biết hết từng con chiên một. Ngài sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để ra đi tìm kiếm con chiên lạc. Tìm được Ngài băng bó thương tích, tật nguyền. Ngài chạnh lòng thương xót khi thấy con cái mình đói rách, đau khổ. Tình yêu thương của Ngài đạt đết tột đỉnh của tình yêu là hy sinh chính mạng sống của mình. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15). Tình yêu thương đó được thể hiện cách rõ nhất khi bị treo trên thập giá. Bị sỉ nhục, bị thách thức, Ngài không phản ứng, không tức giận, không thù hằn, trái lại, Ngài tỏ lòng thương xót và trao ban ơn cứu độ: “Hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”. Một vị vua, chỉ có một không có hai. Một vị vua của tình yêu, của lòng thương xót, của sự tha thứ, bao dung, của lòng nhân hậu.
Cuối cùng, Đức Giêsu, vua của mỗi tâm hồn chúng ta. Ngài không chỉ là vua vũ trụ và toàn thể nhân loại. Ngài cũng không chỉ là vua của tình yêu, Ngài còn là vua của mỗi tâm hồn chúng ta. Ngài ngự trị trong mỗi tâm hồn chúng ta cũng chỉ vì yêu. Ngài ở trong tâm hồn chúng ta để sẵn sàng ban ơn thánh hóa, ơn sức mạnh, làm cho đời sống chúng ta ngày càng tốt đẹp, đạo đức, thánh thiện và trở nên hạnh phúc hơn. Như người trộm lành trên thập giá, anh ta đã đón nhận Ngài làm vua của tâm hồn mình, và anh ta đã được ban ơn. Hay như người phụ nữ ngoại tình, như Gia-kêu…tất cả đều biết mở lòng ra đón nhận Ngài làm vua ngự trị trong tâm hồn mình.
Kính thưa cộng đoàn,
Lời Chúa trong bài đọc hai một lần nữa cho ta nhìn nhận Đức Giêsu là Vua, Ngài là Vua muôn vua, là vua muôn loài thụ tạo khi khẳng định: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, muôn vật hữu hình với vô hình…tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng” (Cl 1,15-16). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loại dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Như vậy, Đức Giêsu, Ngài là vua thật, là vua của toàn thể vụ trụ, là vua của muôn loại thụ tạo, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất. Ngài là vua thật, vua của sự hòa bình và công chính, vì nhờ cái chết của Ngài trên thập giá mà mọi loài thụ tạo được giao hòa với nhau.
Mừng lễ Chúa Giêsu là Vua, chúng ta hãy xác tín lại trong đời sống chúng ta bằng những việc làm cụ thể:
Trước hết, chúng ta xác tín lại, chúng ta chỉ có một vua duy nhất là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên vũ trụ muôn loại và con người chúng ta, Ngài làm chủ vận mạng chúng ta. Các vua chúa trần gian chỉ là những người thay quyền Chúa để cai trị và hướng dẫn dân chúng đi tới hạnh phúc. Chúng ta cũng xác định lại những sự phù phiếm là tiền tài, vật chất, danh vọng, sức khỏe, thế lực, thú vui…không phải và vua chúa cho ta tôn thờ và lụy phục vào nó, nó chỉ là người đầy tớ giúp ta tiến tới và tôn thờ một vị vua duy nhất là Đức Giêsu.
Tiếp đến, chúng ta hãy cảm nếm tình yêu từ vị Vua Giêsu, Ngài sẽ cho ta thấy được vị ngọt ngào của tình yêu, của lòng nhân từ, lòng tha thứ và bao dung. Người thương yêu hết mọi người, kể cả người tội lỗi. Ngài ôm họ vào lòng, và luôn rộng mở trái tim bao dung để đón chờ chúng ta đến với Ngài: “Hãy đến với Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Cuối cùng, để đón nhận được Ngài ngự trị trong tâm hồn ta luôn mãi, chúng ta hãy: Phó thác đời sống ta cho Ngài, để Ngài thực hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta. Hãy nhận Ngài làm chủ cuộc đời ta, để ta luôn tận hưởng cuộc sống hạnh phúc trong Đức Giêsu, Vua tình yêu, bằng cách thường xuyên tham dự các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, xin cho Nước Chúa mau ngự đến và ngự trị trong cõi lòng mỗi chúng con. Amen.
           
                                                                                                                                                                                      


                                               Sơn Tây, ngày 21 tháng 11 năm 2013

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


                                                                            Đã ký

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Để có hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt

Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 20,27-40

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?"

34 Đức Giê-su đáp : "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."

39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm." 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

suy niệm:

“Gieo gì thì gặt nấy”: nếu chúng ta dành hết thời gian cho đời này để lo tiền bạc vật chất, chúng ta chỉ gặt được tiền bạc vật chất mà thôi; nếu chúng ta không dành thời gian để xây dựng hạnh phúc gia đình thì không có gì là lạ, nếu gia đình không có hạnh phúc; và chắc chắn, nếu chúng ta không đầu tư thời giờ và công khó để lo cho đời sau thì chẳng mong gì đời sau chúng ta có hạnh phúc.
            Ngạn ngữ phương Tây có câu:
            “Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.
   Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con lợn.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tể.
Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt”.

Thiên Chúa dựng nên con người để con người có hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm ở đời này mà thôi, mà là một hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Vì cuộc sống là một hành trình tiến về đời sau, về với Chúa là Đấng hằng chờ đợi và yêu thương ta mãi mãi. Nên chúng ta đừng mải mê với những hạnh phúc, những lạc thú chóng qua mà quên đi cùng đích cuộc đời chúng ta là được gặp Chúa nơi thiên đàng hạnh phúc. Chúng ta đừng giống như những người đang sống ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ sống như thế là họ đã chết ngay khi đang sống. Còn chúng ta, chúng ta không chỉ tìm kiếm của cải vật chất trần gian, làm phương tiện đảm bảo cho đời sống này, mà còn phải hăng say tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức, làm đảm bảo cho cuộc sống mai sau trên quê trời.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện

Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 19, 45-48

45 Chúa Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" 47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

suy niệm:
Hôm nay Chúa dạy ta bài học phải tôn trọng nhà của Chúa. Nhà Chúa là nơi để cầu nguyện, là nơi để thờ phượng Chúa. Vậy mà họ đã lợi dụng để kiếm tiền, làm sai ý Chúa.

Qua đây Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng tâm hồn chúng ta là đền thờ Chúa ngự. Chúng ta cũng đang làm vấy bẩn ngôi đền tâm hồn bằng những suy nghĩ, ý tưởng...xấu. Chúa buồn lắm, Chúa thất vọng với chúng ta nhiều lắm.

Chúng ta thường hay xưng tội chia trí, bởi trong tâm hồn chúng ta không có Chúa. Đến nhà thờ, ngôi đối diện với Chúa mà tâm hồn chúng ta đang nghỉ tới những chuyện khác: công ăn việc làm, học tập, buôn bán...

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thanh tẩy tâm hôn, cõi lòng, tư tưởng, lời nói, hành động, để xứng xứng đáng thành nơi Chúa ngự. Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

GIÁO HỌ HƯƠNG LÂU


GIÁO HỌ HƯƠNG LÂU


            Gốc đạo từ họ giáo Hương Nghĩa, giáo xứ Hòa Loan giáo phận Bắc Ninh. Do nghề nghiệp làm chài lưới trên sông, vào những năm 1980 lên đất liền định cư làm nhà tại phường Dữu Lâu thành phố Việt trì. Trước đây cùng sinh hoạt tôn giáo với họ Việt trì. Ngày nay số giáo dân lên tới gần 200 nhân danh. Năm 2012 được tách ra khỏi giáo họ Việt trì, lấy gốc của hai địa phương Hương Nghĩa và Diễu Lâu đặt tên cho họ giáo của mình là Hương Lâu và chọn Thánh Phê-rô làm quan thầy. Thuận lợi của họ giáo là số hộ gia đình công giáo sống quy tụ trong một phường và được một gia đình tạo điều kiện nhà tư làm nơi cầu nguyện mỗi ngày và mỗi tháng có một thánh lễ.

GIÁO HỌ VIỆT TRÌ

GIÁO HỌ VIỆT TRÌ


            Vào những năm 1920 một số gia đình công giáo là những tiểu thương buôn bán từ miền xuôi Thái Bình, Nam Định, Sơn Tây, Thạch Thất (Hà Đông) lên sinh sống, buôn bán tại phố huyện Hạc Trì. Đến năm 1936 nhà thờ Việt Trì được xây dựng tại khu vực phường Bến Gót phía trên trước của ga Việt Trì khoảng 350m. và chọn Thánh Phanxico Xavie làm quan thầy. Năm 1945 do chiến tranh chống Pháp nhà thờ bị tàn phá chỉ còn lại cây tháp. Đến năm 1966 cây tháp cuối cùng cũng bị san bằng. nền đất cũ đã bị nhà máy và khu dân cư sử dụng nay không còn dấu tích. Số hộ gia đình công giáo gốc Việt trì sơ tán nhiều nơi. Năm 1996 họ giáo Việt trì được tái lập. ngay nay giáo dân họ Việt trì bao gồm số giáo dân gốc, giáo dân di cư, giáo dân từ các giáo họ, giáo xứ khác tới làm trong các cơ quan xí nghiệp của khi Công nghiệp Việt trì hợp thành và ở trải dài khắp các phường, xã từ Ga Việt trì tới cổng Đền hùng. Tới nay vẫn chưa có nhà thờ, nhà nguyện. Giáo dân tự chọn từng giáo điểm thuận lợi tại tư gia làm nơi sinh hoạt tôn giáo cộng đồng.

LỊCH SỬ GIÁO XỨ TIÊN CÁT

LỊCH SỬ GIÁO XỨ TIÊN CÁT

            Giáo xứ Tiên Cát gồm 3 giáo họ là: Tiên Cát, Việt Trì và Hương Lâu, với số giáo dân theo báo cáo thường niên 6 tháng đầu năm 2013 là: 1248 nhân danh.
            Ngày 29 tháng 6 năm 2007, lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ được Đức Cha An-tôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận nâng lên hàng Giáo xứ do tách ra từ giáo xứ Nỗ Lực.

GIÁO HỌ TIÊN CÁT

Họ giáo Tiên Cát ngày nay thuộc khu hành chính khu Đoàn Kết, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây vào những năm 1770 có hai gia đình công giáo, một ở Khoái Châu – Hưng Yên, một ở Thanh Hóa tới đây khai hoang, cắm trại, lập nghiệp, nên được gọi là Xóm Trại thuộc làng Tiên Cát.
            
Vào những năm 1880 số gia đình công giáo phát triển lên tới 17-18 hộ gia đình và gần 100 nhân danh. Từ đây được thành lập nên giáp họ, lấy tên làng, tên xã đặt tên cho họ giáo của mình là Giáo họ Tiên Cát và chọn thánh Gioan Tông Đồ làm quan thầy bảo trợ.
            
Theo bản đồ giáo phận Tây Đàng Ngoài in năm 1889 đã có tên giáo họ Tiên Cát. Vào những năm 1889 Cha Toán về coi sóc xứ Nỗ Lực. Ngài đã cho mua ngôi nhà gỗ cổ 5 gian về dựng cải tiến lại thành nhà thờ, với kích thước dài 12m và rộng 6m. Có diện tích sử dụng là 72m2. Nhà thờ quay về hướng Tây, phần cuối có gác chuông, gác trống. Phần tường cổng xây các trụ cao có các hoa văn theo kiểu kiến trúc Á Đông.
            
Cổng nhà thờ cũ nay vẫn còn lưu giữ, trên cổng có 4 chữ nho là “Gioan Thánh Đường”. những năm chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom đánh phá Miền Bắc, vào ngày 17-1-1967 nhà thờ cùng với giáo họ và khu dân cư bị bom tàn phá hư hỏng nặng và làm chết 5 giáo dân. Sau những ngày ấy, họ giáo thu gom vất liệu lại che chắn 2 gian cung thánh làm nơi cầu nguyện sớm tối. Đến năm 1976 nhà thờ đượ sửa chữa phục hồi lại và nâng cao thêm 0,5m trên diện tích và nền đất cũ.

            
Thể theo nguyện vọng của giáo dân, năm 1998 nhà thờ được xây dựng lại hoàn toàn và quay hướng 1800 như ngày hôm nay, với diện tích là 264m2.

Hiện nay giáo xứ có một HĐGX gồm 18 thành viên, có thường trực HĐGX gồm 5 người. Giáo xứ có Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, Hội Gia Trưởng, Hội Con Cái Đức Mẹ, Ban lễ sinh. Các họ giáo đều có BHG và các hội đoàn hoạt động thường xuyên.

            
Từ xưa tới nay, các cha coi sóc giáo xứ Nỗ Lực cũng là Đấng coi sóc các giáo họ và giáo xứ Tiên Cát. Nhà thờ và họ giáo được Đức Cha An-tôn Vũ Huy Chương giám mục Giáo phận lần đầu tiên tới thăm vào năm 2003 và dâng thánh lễ đêm Giáng sinh năm 2008.

Giá trị cuộc sống là nhận ra ý Chúa

Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 19,41-44

41 Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương 42 mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

suy niệm:

Đức Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem. Ngài khóc và thương vì họ không nhận ra những dấu chỉ sẽ đem lại bình an cho họ.

Hôm nay, Chúa đang khóc thương với tôi và bạn. Chúa khóc bởi chúng ta đang chạy theo những giá trị giả tạo, chúng ta coi đó là giá trị thực cho đời sống chúng ta. Hưởng thụ, khoái lạc, tiện nghi, chức vị, danh vọng... Tất cả chỉ là mau qua, chỉ là phù du. Nó đã làm ta không thoát ra được.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Việc Chúa trao

Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 19,11-28
'Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.' 17 Ông bảo người ấy : 'Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.' 18 Người thứ hai đến trình : 'Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.' 19 Ông cũng bảo người ấy : 'Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.'

Suy niệm: 

Lạy Chúa, chúng con giống như những tôi tớ trong dụ ngôn hôm nay. Được Chúa trao cho những nén bạc là: sức khỏe, khí năng, trí khôn, tấm lòng bác ái....nhưng chúng con đã không chu toàn. Chúng con giống như người đầy tớ nhận được nén bạc, đem về vui sâu trong lòng đất là: sự lười biếng, khô khan, ích kỷ, chỉ biết sống cho mình.

Chúng con ngại hy sinh, ngại dấn thân vào công việc học tập, tu luyện, bác ái, yêu thương... chúng con chỉ biết sống cho mình; khép kín cửa lòng trong hố sâu của ích kỷ.

Xin Chúa hãy cho chúng con biết sinh lợi với những khả năng chúng con được Chúa trao ban: "Ai có tài nào xin công hiến tài đó, để phục vụ Tin Mừng của Chúa". amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Quan tâm

Thứ Hai Tuần XXXIII Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: Lc 18,35-43

35 Khi Chúa Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Chúa Giêsu Nadarét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!"40 Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." 42 Chúa Giêsu nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

suy niệm:

Hững hờ, thơ ơ, bàng quang, tránh né là thái độ sống của con người hôm nay. Vô tâm một cách đáng sợ với người cần được cứu chữa. Vui vẻ kể lại những kỳ tích đã làm trên đường đi. Lý do tại sao vậy, thưa, do một ý thức hệ tạo ra lối sống vô tâm cho con người hôm nay. 

Chúng ta không giống với Đức Giêsu một chút nào, Ngài không vô tâm, ngài quan sát, chú ý đến từng người. Đang đi giữa đám đông ồn ào, hò la lớn tiếng, Ngài đã nghe thấy tiếng gọi: "Lạy ông Giêsu, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi". Ngài đã dừng lại, đã đến và đem niềm vui, hạnh phúc cho người mù.

Hãy đến với Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót hết tất cả mọi người. Đấng quan tâm và để ý đến những tiếng kêu la bên vệ đường. Đâng giàu lòng từ bi và nhân hậu để học và làm theo Ngài bạn nhé.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Chiếc giày chân phải bên trong cánh cửa (sưu tầm)

Chiếc giày chân phải bên trong cánh cửa.

 Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm.
Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. 
  18 giờ, 
chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: "sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng". Linh tính cho chị biết đó là... nhà nàng chứ không phải nhà hàng
 20 giờ,
sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân. Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào.
Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.
Gần 23 giờ đêm,
sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tang đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt.
“Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”.
“Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.
Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai?
Và vì sao nó được treo ở đó?
Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc.
Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng
... Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.
 Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ:
 “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”. 
Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”.
Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.
Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người.
Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ.
Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm:
“Ôi! Chiếc giày chân phải của em!”
Sếp cũng thì thầm bên tai vợ:
 “Anh xin lỗi em - nghìn lần xin lỗi!”. 
Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm.
Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. 
Nhưng đã trót biết rồi mà ứng xử được như bà vợ của ông sếp kia thì thật là cao thủ.
---------------------------------------
Lời bình:
TỐT NHẤT VẪN LÀ CHUNG THUỶ.
QUÁ KHỨ CÓ THỂ BỎ QUA,
SAI LẦM CÓ THỂ THA THỨ,
NHƯNG CHAI LÌ TRONG U MÊ, DÂM TÀ, LÉN LÚT, DỐI TRÁ, LÀ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN.

Chúa trong tôi rất nhỏ (sưu tầm)

Chúa trong tôi rất nhỏ…

Tôi được một linh mục dạy giáo lý mỗi tuần 1 giờ vào chiều thứ tư trong tuần. Bố tôi thương đứa con gái ngỗ nghịch nhất nhà, tánh tình thẳng thắn và ngang tàng giống con trai, nên bố tôi cho phép tôi học giáo lý công giáo để “tòng phu”. Học được bao nhiêu giờ tôi cũng không nhớ, học những gì tôi cũng không biết có lưu lại trong tâm hồn tôi được bao nhiêu… chỉ biết khi cha tuyên bố cho phép được làm phép Thánh tẩy là tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là tôi trở thành một “tân tòng Chúa”, từ ngày “tân tòng phu”.
Trong đời sống hôn nhân, mỗi Chúa Nhật vợ chồng tôi đều diện đẹp đến nhà thờ chánh tòa dự Thánh Lễ mà không khi nào vào ngồi ở hàng ghế trong nhà thờ, ông chồng tôi chỉ muốn đứng ở ngưỡng cửa nhà thờ và khi rước lễ xong là chàng kéo tôi ra, khi không rước lễ thì trong lúc người ta đi lên Cung Thánh, chúng tôi đi ra ngoài, leo lên chiếc xe Honda hai bánh chạy một mạch ra phố, lân la hết hàng phở, đến hàng càphê, hang chè, hang bánh… rồi làm một tour dạo phố, khi trời đẹp chúng tôi cưỡi Honda chạy quanh bờ hồ ngắm cảnh, ngắm hoa ở vườn Bích Câu, rồi mới về nhà. Bà mẹ đỡ đầu của tôi chắc để ý theo dõi chúng tôi, một hôm bà đón chúng tôi ở sân nhà thờ  nhắc nhở, khi nào cha ban phép lành xong các con hãy ra về nhé. - Ôi, quê xệ!!!
Trước và sau khi nhận phép Thánh Tẩy tôi thấy mình chả có gì khác. Chúa ở trong tôi chả thấy đâu cả, chắc Chúa ngủ yên và ngủ say. Tôi sống đạo như thế kéo dài chả biết là bao lâu, chỉ có hình thức bên ngoài vào ngày Chúa Nhật thôi, còn bên trong thì rỗng tuếch rỗng toác, chẳng có tí nào là Chúa. Lần lượt những đứa con ra đời, đứa nào chồng tôi cũng tìm bạn của anh đỡ đầu cho con trong ngày Lễ Thánh Tẩy… và rồi đời sống đức tin cũng vẫn vậy, dù rằng suốt thời gian mang bầu và khi sanh các cháu, tôi thỉnh thoảng lần chuỗi 50 Kinh Kính Mừng, mà không hề biết suy gẫm về sự thương, sự vui, sự mừng ra sao cả. Tôi cũng chẳng có chút cảm nghiệm gì về Chúa về Đức Mẹ.
Các con tôi bắt đầu đến trường rồi tuổi teen, tôi thấy mình phải có trách nhiệm dạy con biết về Chúa, mà mình có biết gì về Chúa đâu, hỏi chồng, hỏi vài người đạo gốc, đạo dòng mà cũng không ai đáp ứng rõ ràng cho tôi hiểu về Chúa ra sao. Thôi thì cứ giao các con cho các cha ở nhà thờ. Đi dự lễ ngày Chúa Nhật tôi nghe các bài đọc, càng thấy chả hiểu gì và nghe giảng tôi cũng chả nhận được chi.
Tôi hỏi cha trong tòa giải tội cũng không được giải thích thỏa đáng. Bao nhiêu câu hỏi về Chúa trong đầu vẫn cứ có lúc lẩn vẩn trong đầu. Tôi thắc mắc và hỏi nhiều câu mọi người cho là vớ vẩn nên không giải thích được.
Biến cố tháng 4.1975 đến, chồng tôi phải đi tù cải tạo, một mình nuôi 4 đứa con trong khốn khó, vì chồng là “ngụy quân” nên bị đuổi khỏi sở, không công ăn việc làm, không biết buôn bán, tôi lăn lưng ra đi làm đủ mọi nghề bằng tay chân. Ở cuối bờ hồ Xuân Hương, gần nhà tôi có một biệt thự, chắc là của ông “cán bộ nhớn” nào đó đang sửa, tôi xin được việc phụ hồ để kiếm gạo nuôi con và để khỏi phải bị đuổi đi kinh tế mới. Có cô hàng xóm ngày xưa, gần nhà ba mẹ tôi thấy tôi khổ quá, vì mỗi khi cô đi ngang hiện trường nhìn thấy tôi ăn mặc xốc xếch, khệ nệ bưng những ki xi măng, bê những cục gạch nặng nề mà mặt thì chảy xệ buồn hiu, có khi tay xúc hồ, tay quệt nước mắt nên cô thương tình bèn rủ đi buôn bán may ra khá hơn chăng…
Tuy sống khổ cực, thiếu thốn mọi bề mà Chúa Nhật nào mẹ con tôi cũng ăn mặc tươm tất nhất có thể, đi dự Thánh Lễ. (mẹ con tôi chỉ mỗi người có một bộ đồ tươm tất nhất để dành cho ngày Chúa Nhật)
Bây giở suy niệm câu Kinh Thánh (Ga. 3,30)” Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” này tôi mới thấy Chúa ở trong tôi có một xí, bé tẹo tèo teo.!!!...
Lúc này chắc Chúa ở trong tôi dường như thức dậy mỗi Chúa Nhật
rồi Chúa lại thiếp đi và ngủ say.
Mỗi sáng hai con trai lớn, đứa 11 tuổi, đứa 12  lo dậy sớm để đi giúp lễ 5 giờ 30 sáng. “Đồ tế nhuyễn, của riêng tây” đã ra hết chợ trời để có gạo cho con ăn nên các cháu không biết giờ, có hôm chúng đến nhà thờ chắc khoảng 3 hay 4 giờ sáng, chưa mở cửa, hai đứa co ro ôm nhau ngoài góc cửa nhà thờ, ngủ quên trong gió lạnh Dalat cho đến khi ông từ đến mở cửa nhà thờ. Tội nghiệp mẹ con tôi quá.!!!
Chắc Chúa cùng ngủ với các con tôi. Tạ ơn Chúa!!!
Không biết Chúa to hay bé bao nhiêu trong lòng các con tôi.???
Từ ngày ra hải ngoại, được sống trong đất nước tự do, lần đầu tiên tôi rủ nhà tôi đi tĩnh tâm do linh mục đồng hương tổ chức, vì từ khi gia nhập đạo Chúa, tôi chưa hề biết tĩnh tâm ra sao. Từ chiều thứ bẩy bắt đầu đến nhà tĩnh tâm tôi được gặp gỡ nhiều đồng hương thật vui. Giới thiệu nhau rồi chúng tôi ăn chiều, sau đó Thánh Lễ rồi đi ngủ. Lần đầu quen nhau nên chả ai ngủ nghê gì cả. Suốt đêm cứ rì rầm đủ thứ chuyện về quê nhà, về vượt thoát…v.v…Sáng hôm sau chúng tôi được cha cho mọi người chia sẻ về đời sống đức tin. Thôi thì các bà, các ông lại tha hồ kể lể đủ thứ chuyện bên quê nhà, chuyện cha xứ, chuyện xứ đạo. Ăn trưa xong, chúng tôi dự Thánh Lễ rồi chầu Thánh Thể và kết thúc.
Đi tĩnh tâm về tôi cũng vui lắm, thấy thú vị vì quen một số đồng hương, được chia sẻ đủ thứ chuyện, được chầu Thánh Thể (mà hồi giờ tôi chưa hề biết)… rồi năm nào vị LM cũng lập lại cuộc tĩnh tâm như thế.
Tôi thấy mình chẳng học được gì về Chúa cả.
Những thắc mắc trong tâm hồn lại ngồn ngộn trở về mà chẳng biết hỏi ai, chẳng có một sách báo hay thông tin nào về đạo mà đọc cả.
Năm 1989 tôi được mời dự Đại Hội Sinh Viên Công Giáo Âu Châu, tổ chức ở Strassbourg, Pháp Quốc. Dịp này tôi được một linh mục giới thiệu đi dự một khóatĩnh tâm theo phương pháp linh thao của Thánh Inhazio-Loyola. Trong 3 ngày linh thao tại Brüssels, tôi mới biết thế nào là Ơn Cứu Độ, và hiểu sơ sơ về Lịch Sử Cứu Độ. Tôi được Chúa dạy tập thể thao cho linh hồn tôi, bằng những giờ thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, khi cầu nguyện với đoạn Phúc Âm mà cha giảng phòng vừa hướng dẫn.
Tiếng Chúa thật mảnh, thật thanh, thật nhẹ, thật khẽ nên càng lắng đọng tâm hồn bao nhiêu, ta nghe được tiếng Chúa rõ bấy nhiêu.
Tôi đã gặp được Chúa Giêsu, tôi yêu thích và quý trọng nhất khi Chúa chạm đến trái tim “ngổn ngang trăm mối” của tôi thật dịu dàng mà thắm thiết, thật sâu thẳm mà ngọt ngào biết bao!!!. Những giọt nước mắt biết ơn, cảm động, sung sướng tuôn tràn, ngập đầy hạnh phúc trong tôi. Lần đầu tiên tôi biết Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa xuống thế làm người, là Đấng Kitô chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho thiên hạ và cho chính cá nhân tôi. Lần đầu tiên tôi biết đến Lời Chúa, Kinh Thánh, Tin Mừng là gì, Giáo Hội là ai ??? Các Thánh là ai ???
và quan trọng nhất tôi là ai.? Là ai mà Chúa thương yêu vậy ???
Bây giờ Chúa ở trong tôi thật sự thức dậy rồi.  Chúa thức dậy và làm những điều kỳ diệu, mở trí khôn cho tôi hiểu Ngài, mở trái tim cho tôi biết yêu Ngài.Tôi nhớ đoạn Tin Mừng “ Trong khi Đức Giêsu đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! câm đi!”. Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4, 38-39.)  
Tâm hồn tôi bây giờ đã có Chúa ngự “ở đằng lái” để hướng dẫn tôi đi trên con đường của Thầy: “Ta là đường.là sự thật và là sự sống”. (Ga 14,6)
Từ đó mỗi ngày tôi để cho Chúa dắt tôi đi với Lời Chúa, những lúc này tôi được sống giây phút lặng thinh êm ả bên Chúa, tôi hiểu Chúa, và yêu Chúa. Tôi cố gắng mỗi năm đều đi dự tĩnh tâm linh thao để có những ngày nghỉ ngơi tĩnh lặng bên Chúa, được sống trọn vẹn với Ngài, được Chúa yêu thương an ủi, xoa dịu những vết thương, những nỗi đau trong đời sống thường ngày, và tôi được yêu Ngài dồi dào hơn.
Tôi biết Chúa ở trong tôi đang lớn lênvà lớn chừng nào thì tôi không biết.
Thước để đo xem Chúa lớn bao nhiêu trong linh hồn chúng ta là
Mỗi ngày tôi sống với Chúa trong lòng mình bao nhiêu phút…
Chỉ có một người đã yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, chính là Thánh Phaolô, khi Thánh nhân thốt lên:
Tôi sống không phải tôi sống mà là Chúa sống trong tôi”
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa đã gieo vào lòng con hạt giống Giêsu từ bao nhiêu năm nay thế mà con không biết chăm bón cho hạt giống nẩy mần lớn lên, mà chính con đã để cho thế gian trong con đè chết ngạt hạt giống ấy, mặc dầu nhiều lúc hạt giống cũng đã nứt mần, muốn ngoi lên,  nhưng bóng tối đầy đặc đã vô tình ngăn chặn không cho Hạt Giống Giêsu lớn lên 
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng, mở trí cho cá nhân con và cho chúng con, những tín hữu biết yêu Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng con biết noi gương và sống như Thánh Phaolô.  Amen.
Elisabeth Nguyễn

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates