Pages

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

chơi Rock bằng chân

Ghi-ta tuyệt đỉnh

Thế giới muôn mầu dưới đáy đại dương

Vẽ Rồng

Tranh cát tuyệt đỉnh

chất lượng cuốc sống

Hãy nhìn cuốc sống bằng ánh mắt yêu thương

Đức Tin Vượt Thắng Tất Cả





Niềm tin giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Niềm tin đêm lại cho ta hạnh phúc đời đời.

Lời Chúa: 
 Mt 11,20-24
20 Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: 21 "Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. 22 Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
23 "Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".

HÃY CHO ĐI






"Dù có thế nào, tôi không bao giờ để mất đồng 1 đô là này". Đó là lời của tràng thanh niên trong you tube trên. Cuối cùng, với tình thương bà cụ đói ăn, anh đã cho đi đồng tiền quý báu nhất của mình, và đã nhận được một công việc anh chưa bao giờ dám nghĩ tới. Phải chăng anh ta đã và đang thực hiên lời Chúa dạy trong bài Tin mừng hôm nay. Còn ban thì sao?

Mt 10,40-42
40 Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. 41 Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; 42 và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".

MẠNG SỐNG TRỌNG HƠN CỦA ĂN

CHÚA NHẬT VIII TN A
(Is 49, 14-15; 1Cr 4, 1-5; Mt 6, 24-34)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
MẠNG SỐNG TRỌNG HƠN CỦA ĂN
THÂN THỂ TRỌNG HƠN ÁO MẶC
            Kính thưa cộng đoàn,
             Gần đây tôi có tới thăm một gia đình, ông bà có 3 người con, hai trai một gái. Ông bà kể: Giá như thằng út nhà con được 1/10 anh chị  nó thì con thật hạnh phúc, đằng này nó mải chơi, không chịu học hành, giao du với bạn bè và dính vào tệ nạn xã hội, và bây giờ đang ở tù trên Yên Bái. Ông bà rất đau khổ, buồn chán và gần như mất đi nghị lực sống vì đứa con út này. Ông bà đã nhiều lần muốn từ mặt và coi nó như không phải là con của mình, nhưng không sao bỏ được, hàng đêm vẫn khóc thầm thương con, và một vài tháng, hai ông bà 60 tuổi vẫn bắt xe lên thăm con.
            Làm sao có thể bỏ được đưa con mình đã mang nặng đẻ đau đây, dù tội lỗi, dù gây đau khổ cho ông bà, ông bà có chán ghét, tức giận, anh ta vẫn là đứa con do ông bà sinh ra, đó là tấm lòng người mẹ, người cha luôn đắm đuối vì con.
            Hay gần đây, trên trang mạng xã hội cũng đưa hình ảnh một bà mẹ 70 tuổi, cõng đưa con trai tàn tật trên lưng, đi khắp các ngõ phố để xin ăn. Hình ảnh đó gây cảm xúc mạnh cho cộng động dân mạng. Bà cụ không quản khó khăn, lưng đã còng nhưng vì con, bà vẫn mang đưa con trên lưng để tìm của nuôi sống con bà. Một tình yêu của người mẹ thật bao la, không sao kể được.
            Vâng, lời tâm sự của bà mẹ và hình ảnh người con trai tàn tật năm trên lưng còng bà mẹ 70 làm chúng ta liên tưởng tới lời Chúa nói với chúng ta hôm nay trong bài đọc I, trích sách ngôn sữ Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
            Đúng như vậy, không có tình yêu nào bao la và bền vững như tình mẹ, tình cha, và vượt lên trên tình mẹ, tình cha là tình yêu Thiên Chúa: Cho dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Thiên Chúa đón nhận con. Một tình yêu bao là và bền vững, làm cho chúng ta xác tín vào tình yêu Thiên Chúa yêu thương ta vô bờ bến. Tình yêu đó được Chúa nhắc tới trong bài Tin mừng hôm nay: Đừng lo gì đến cái ăn, cái mặc, cũng đừng lo đến mạng sống và tuổi thọ. Chỉ một điều duy nhất phải lo mà thôi là hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
            Ngay hôm nay, chúng ta quá lo lắng về những nhu cầu vật chất khiến chúng ta quên mất Chúa và sống ngoài sự phó thác vào Chúa. Quan niệm “có thực mới vực được đạo” là một quan niệm sai đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta. Nếu Chúa không quan phòng cho mưa nắng thuận hòa, cho ta sức khỏe và điều kiện thuận lợi, thì hỏi chăng chúng ta lấy đâu hay kiếm đâu ra của cải để phục vụ cho cuộc sống.
            Chúng ta vì vật chất mà đã bỏ quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm của cải. Chỉ một tiếng đồng hồ trong ngày Chúa Nhật, chỉ 10 phút vào các buổi tối, chúng ta cùng gia đình xum họp đọc kinh tạ ơn Chúa, chúng ta cho rằng mất thời gian, vô bổ, vô ích. Chúng ta quá coi thường ơn Chúa ban, và hầu như không hề nhận ra ơn Chúa vẫn ban cho chúng ta hằng ngày, dù chúng ta đang bỏ Chúa, không nghĩ, không nhớ gì đến Chúa, nhưng Chúa không hề bỏ rơi ta, vẫn luôn chăm sóc cho ta, giữ gìn ta.
            Chúng ta không hề tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa hướng dẫn ta trong đời sống, trong công việc. Bởi thế tệ nan tham nhũng, làm ăn phi pháp ngày càng lan tràn và nó như trở thành điều rất bình thường trong cuộc sống của chúng ta.
            Lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay đảm bảo cho chúng ta chắc chắn có một cuộc sống đầy đủ, bình an, hạnh phúc như lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn hằng cầu xin: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày dùng đủ”. Có được như vậy chúng ta hãy sống và làm theo lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 33-34).
            Chúa khẳng định chắc chắn rằng: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6, 26-27). “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-29).
 “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 31-32).
            Kinh thưa cộng đoàn,
            Cuộc sống chúng ta còn quá vất vả, lo lắng cơm áo gạo tiền, đau khổ, mệt mọi vì chúng ta chưa tin và chưa phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa. Bởi thế, nhân cơ hội trong năm gia đình này, chúng ta hãy làm theo lời mời gọi của Giáo hội là sống, tin và làm theo lời Chúa. Để làm được như thế, chúng ta hãy cùng nhau dựa vào lời Chúa hôm nay để xét lại đời sống chúng ta:
            “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Cuộc sống chúng ta hôm nay, ai đang lãnh đạo, ai đang làm chủ. Phải chăng là nhu cầu cuộc sống vật chất quá lơn mà chúng ta đầu tư hết thời gian cho việc kiếm tiền. Như thế, chúng ta đang tôn thờ vật chất mà không biết Chúa mới là Gia Nghiệp đời đời của chúng ta. Hãy xác tin và đổi mới cuộc đời, vì tiền tài không mang lại hạnh phúc vĩnh viễn. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui hoan lạc đời đời.
            “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6,25). Vì cơm áo gạo tiện, chúng ta đang bị lôi kéo và đầu tư hết thời gian vào việc kiếm tìm của cải. Vì quá bám víu vào của cải mà con người hôm nay nghèo vẫn hoàn nghèo, bởi không sống theo lời Chúa dạy; biết chia cơm sẻ áo và giúp đỡ nhau.  Đồng thời phải biết tín thác vào Chúa Quan Phòng, vì Chúa sẽ lo cho những ai biết tìm kiếm Nước Chúa trước hết. Hãy đến với Chúa trong giờ kinh gia đình, trong thánh lễ, chúng ta sẽ được Chúa dạy và hướng dẫn chúng ta có một cuộc sống thật bình an, thư thái và hạnh phúc.
            “Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Kinh lạy Cha chúng ta đọc hàng ngày, xin Chúa ban cho lương thực hàng ngày dùng đủ. Tin thác vào tình thương và tin vào Chúa biết chúng ta cần gì, xin gì. Chắc chắn Ngài sẽ ban. Bổn phận chúng ta hãy lo chu toàn công việc hàng ngày của mình. Lo cho mình và con cái đến với Chúa, được nghe Lời Chúa, được nói chuyện với Chúa hằng ngày, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ phải khổ cực, lao đao kiếm tìm của cải, cơm áo gạo tiền.
            Hãy bắt đầu từ hôm nay, để ngày mai chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và bình an.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống theo lời dạy của thánh Augustino: “Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu, và tương lại cho sự Quan phòng của Ngài”. Xin cho chúng con trong khi bôn ba lo cho cuộc sống trần gian vẫn biết ưu tiên dành thời giờ cho việc làm sáng danh Chúa và luôn sống theo ý Chúa. Amen.
           
                                                Sơn Tây, ngày 27 tháng 02 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục



ĐỨC TIN, ƠN BAN NHƯNG KHÔNG

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
(Cv 2,1-11; 2Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
ĐỨC TIN, ƠN BAN NHƯNG KHÔNG


            Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Hai con người, hai cuộc đời, đã trở thành hai cột trụ Đức Tin vững bền của Giáo Hội. Một Phêrô chối Thày đến ba lần, một Phaolô truy lùng, bắt bớ Giáo hội. Tất cả đã được Chúa biến đổi nhờ đức tin. Nhờ đức tin, Phêrô được Chúa biến đổi trở thành tông đồ trưởng, đứng đầu Giáo hội hoàn vũ. Nhờ đức tin, Phaolô đã trở nên vị tông đồ dân ngoại vĩ đại nhất. Mừng lễ hôm nay, xin được cùng với cộng đoàn nhìn lại đời sống đức tin của hai vị thánh tông đồ, từ đó, chúng ta duyệt xét lại đức tin của chúng ta trong đời sống hôm nay.
Đức tin là một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, Ngài ban cho ai thì người đó được. Đúng như thế, lời tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu của thánh Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta xác tín chắc chắn Đức Tin là ơn ban từ Thiên Chúa: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Đức tin không phát xuất từ con người phàm hèn, mà được ban từ Thiên Chúa.
Có biết bao nhiều người đã bỏ công, bỏ thời gian để tìm hiểu về Chúa, đọc và học hỏi Thánh Kinh của Chúa. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là dã tràng xe cát bể đông vì không có ơn Chúa ban.
Có biết bao nhiêu người, một chữ bẻ đôi cũng không biết, vậy mà họ lại có một đức tin thật sâu sắc vào Chúa. Một đức tin dám quên mình, hy sinh cả đến tính mạng vì Chúa.
Như thế, cùng với hai vị thánh tồng đồ hôm nay, chúng ta phải cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta ơn đức tin, một hồng ân cảo cả Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta có được diễm phúc tin vào Chúa, chỉ vì Chúa yêu chúng ta mà thôi.
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cũng là những con người yếu đuối như chúng ta. Các ngài cũng gặp biết bao thử thách trong đời sống đức tin. Một Phêrô luôn luôn ở bên cạnh Thày mình, vậy mà chỉ một phút yếu đuối, ngài đã chối bỏ thầy mình ngay trước mặt một người phụ nữ. Và không chỉ một lần, ngài đã chối Thày tới ba lần. Nhưng nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy Giêsu, Thánh Phêrô đã xác tín niềm tin của mình, vượt qua mọi thử thách, bắt bớ để bảo vệ niềm tin đó. Và nhờ được sứ thần của Thiên Chúa đến giải cứu ông đang bị gông cùm trong nhà lao, nên ông càng xác tín mạnh hơn và quyết tâm mạnh hơn vào việc bảo vệ đức tin này. Cho dù gặp gian lao thử thách, dù phải chết, ngài cũng quyết bảo vệ đến cùng. 
Thánh Phaolô cũng thế, một con người được Chúa ban cho hồng ân đức tin sau khi Ngài sống lại. Trong khi thánh Phaolô đang hăm hở, hăng say đi bắt các môn đệ và những kitô hữu của Chúa để bách hại, ông đã bị Chúa đánh ngã ngựa, ánh sáng của Chúa làm ông mù lòa trên đường đi Đamas. Thánh nhân khi ngã ngựa, nhận thấy thân phận yếu đuối đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” ( Cv 9, 5 ). Kể từ đây, Chúa đã chọn thánh Phaolô làm tông đồ cho các dân ngoại như lời Chúa phán với Khanania: “ …Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngọai, các vua chúa và con cái Irsaren” ( Cv 9, 15 ). Vì Chúa, vì niềm tin vào Chúa, thánh Phaolô đã bảo vệ đến cùng.
Kính thưa cộng đoàn,
Đức tin là một ơn ban nhưng không, nhưng đức tin đòi chúng ta phải gắng sức cộng tác với ơn Chúa để bảo vệ và giữ gìn. Chúng ta không được phép ỉ nại, cậy dựa vào những khả năng của bản thân. Thánh Phêrô để lại cho chúng ta bài học về sự ỉ nại vào khả năng khi ngài tuyên bố với Chúa. “Dù mọi người bỏ Thầy, con đây cũng không bỏ Thầy”. Ba lần chối Chúa đã cho thánh Phêrô nhận ra sự yếu đuối và khả năng của bản thân khi đứng trước các cám dỗ và thử thách niềm tin vào Thày. Vì thế, mỗi chúng ta hãy cậy dựa vào ơn Chúa, xin Chúa giúp sức để chúng ta can đảm giữ vững niềm tin như thánh Phaolô: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính”. Sự kiên trì giữ vững niềm tin đã đem lại vòng hoa công chính cho hai thánh tông đồ. Và mỗi chúng ta cũng sẽ được thưởng vòng hoa công chính như thế, nếu chúng ta cũng can đảm chiến đấu trong cuốc thi đấu cao đẹp này.
Thưa cộng đoàn,
Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông”. Vâng, niềm tin được thể hiện trên hai bình diện cá nhân và cộng đoàn. Nên giữ vững niềm tin không chỉ dừng lại ở trên phương diện cá nhân mà cần có sự trợ giúp, nâng đỡ của cộng đoàn. Bởi thế, trong nghi thức ra nhập đạo, người tân tòng nài xin Giáo hội ban cho mình ơn đức tin. Anh chi, hay ông bà xin gì cùng Hội Thánh, thưa, con xin ơn Đức Tin.
Kính thưa cộng đoàn,
Mừng lễ hai thánh tông đồ hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta xác tín hơn về đức tin mà chúng ta đã được lãnh nhận, là đức tin được phát xuất từ Thiên Chúa; ơn cao, ơn nhưng không. Đồng thời, Giáo hội mời gọi mỗi chúng ta phải giữ vững niềm tin đó bằng nỗ lực cá nhân và trong sự gắn kết với đức tin của cộng đoàn.
Về cá nhân: Chúng ta phải năng học hỏi giáo lý và lời Chúa, gắn kết với Chúa bằng lời kinh và Thánh lễ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.
Với cộng đoàn: Chúng ta phải sống trong sự hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương, để cộng đoàn trợ giúp chúng ta bằng lời cầu nguyện, bằng sự nâng đỡ khi gặp khó khăn thử thách. Sự nâng đỡ của cộng đoàn là yêu tố rất quan trong để chúng ta giữ vững niềm tin của mình. Bởi thế, nếu một thành viên sống xa cộng đoàn xa gia đình, giáo họ, giáo xứ, chắc chắn sẽ dễ bị mại một đức tin, dễ bị thử thách và dẫn tới mất đức tin hơn.
Mừng lễ hai thánh tông đồ trong Năm Thánh Hóa Gia Đình, Giáo hội mời gọi chúng ta quy tụ bên nhau trong giờ kinh gia đình, để cùng nhau xét duyệt lại đời sống đức tin, đời sống gắn bó trong yêu thương và hiệp nhất ngay tại gia đình mình. Có được như thế, chúng ta sẽ giúp cho giáo xứ, giáo họ trở thành một cộng đoàn trưởng thành trong đức tin và đức ái. Và là một cộng đoàn sống sứ vụ của Chúa ki-tô là đem những con chiên lạc về cho Chúa. Vì gia đình là nên tảng của Giáo hội, gia đình tốt, Giáo hội sẽ trở nên tốt.
Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là cột trụ đức tin vững chắc của Giáo hội, chuyển lời cầu của chúng ta lên cùng Chúa. Xin Chúa ban thêm cho mỗi chúng ta ơn đức tin, để mỗi người chúng ta đều dành vòng hoa chiến thắng trong cuốc chạy đua trên đường đua đức tin. Amen.

                                                Sơn Tây, ngày 28 tháng 06 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


LỄ THÁNH GIUSE THỢ

LỄ THÁNH GIUSE THỢ
(St 1,26-2,3; Cl 3,14-15.17.23-24; Mt 13,54-58)

          Kính thưa cộng đoàn, cách riêng Quý thành viên hội Gia Trưởng giáo họ Tiên Cát,
          Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ Thánh Giuse Thợ, là ngày Quốc tế lao động trên toàn thế giới, cũng là bổn mạng của Hội Gia Trưởng giáo họ Tiên Cát chúng ta. Nhân ngày lễ này, con xin được cùng với quý cộng đoàn, nhìn lại giá trị của lao động và mẫu gương lao động của thánh Giuse, từ đó, chúng ta đưa ra bài học theo gương sống của thánh nhân và cảm mến chân giá trị của đời sống lao động.
Đời sống lao động luôn gắn liền với con người: người ta có thể làm việc chân tay và có người dùng tới trí óc. Tất cả đều là lao động. Chắc chắn lao động nào cũng phải đổ mồ hôi, cũng phải vất vả. Tại sao lại như vậy? đây có phải là nguyên nhân mà chúng ta tự nhủ và truyền tai nhau là do hậu quả của tội nguyện tổ không?
Quan điểm ki-tô giáo về lao động: Thánh Kinh nói gì? Kinh thánh khẳng định: lao động không phải là một hình phạt do tội, nhưng là điều kiện bình thường của con người. Vì trước khi con người sa ngã, “Thiên Chúa đã đặt con người trong vườn Eđen để canh tác và giữ vườn” (St 2, 15), để con người được cộng tác và hòa hợp vào ý muốn của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn thấp nhập lao động vào chương trình của Người sau khi tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (1, 28).
          Đây là một dữ kiện nền tảng của đời sống con người vì lao động gắn chặt đời sống con người, nên khi nguyên tổ sa ngã phạm tội, lao động đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi tội: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3, 19).
Tại sao vậy, chúng ta phải hiểu thế nào, thưa, ta cần hiểu cho đúng. Đối tượng lời chúc dữ của Thiên Chúa không phải là lao động cũng như không phải là chính việc sinh nở của phụ nữ. Việc sinh nở là một chiến thắng đớn đau của sự sống trên cái chết, thì lao động đổ mồ hôi hằng ngày của con người đánh dấu việc thể hiện quyền bính mà Thiên Chúa đã ban cho con người.
Tại sao chúng ta thấy lao động là một nỗi khổ, là một hình phạt, thưa là vì trong con người chúng ta có sự thay đổi về đời sống nội tâm sau khi phạm tội, chúng ta đã nhìn thế giới, nhìn lao động bằng một cặp mắt khác.
          Trong cuộc sống hằng ngày, nơi các công trình xây dựng, hay đâu đó nơi các biển hiệu quảng bá, vẫn nhắc nhớ chúng ta rằng: Lao động là vinh quang. 
Vậy là người kitô hữu, chúng ta phải có được quan niệm về lao động với ý nghĩa cao cả như thế.
Phải đề cao lao động, Tại sao? Thưa bởi vì Đức Giêsu không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống của Người. “Cha Tôi hằng làm việc, Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Những người đồng hương với Đức Giêsu đã không lầm khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13, 35), là “ông thợ mộc” (Mc 6, 3). Và Người đã sống nghề lao động trong suốt 30 năm trời tại Nadarét.
          Đức Giêsu lao động, Ngài đem lại ý nghĩa gì cho niềm tin chúng ta? Thưa, Đức Giêsu lao động là muốn nói lên rằng: lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ Ngài đảm nhận thân phận con người cũng chỉ vì điều này, bởi “cái gì không được đảm nhận thì không được cứu độ” (Thánh Irênê). Cho nên phải nói rằng, với Đức Giêsu, 30 năm lao động âm thầm, Đức Giêsu chẳng những đã thánh hoá công việc, nhưng còn biến nó thành một phương tiện cứu độ khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Cho nên, lao động là thành phần của mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô, nếu không thì những năm tháng tại Nadarét chẳng có một ý nghĩa nào khác ngoài việc Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo?
          Lao động quả thật  phải được đề cao. Tuy nhiên, Đức Giêsu dạy ta không được dừng lại ở đó. Lao động chỉ là một giá trị trong bậc thang các giá trị mà thôi.
          “Hãy lao động đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6, 27). Đây phải là châm ngôn sống của người kitô hữu.
          Người thực hiện châm ngôn sống rất hoàn hảo này trước tiên là Thánh Giuse. Ngài chắc hẳn là người đã sống ý nghĩa của lao động trong chính cuộc đời sống trần thế của ngài. Ngài là một mẫu gương lao động cần cù.
Đứng đầu gia đình thánh tại Nagiarét, thánh Giuse đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi Nagiarét, thánh Giuse đã phục vụ hết mình: mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp.
Chúa Giêsu trong gia đình thánh nagiarét đã học nơi thánh Giuse sự cần mẫn lao động. Học nơi Mẹ Maria sự kiên nhẫn, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người.
Khởi đi từ gia đình Nagiarét, người Kitô hữu trên khắp thế giới cũng được mời gọi yêu mến lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều được gọi mời gắn liền với thánh cả Giuse, quan thầy và là Đấng bảo trợ của giới lao động. Trong một thế giới đan xen ánh sáng và bóng tối, trong một thế giới văn minh tuyệt đỉnh, lao động dù trí óc, chân tay hay kỹ thuật máy móc điện tử vẫn luôn cần thiết. Sự im lặng: nói ít, làm với hết khả năng, với óc sáng tạo luôn được đề cao, trân trọng. Thánh Giuse đã im lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Thánh Giuse đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm: làm việc với đức tin, với lòng yêu mến.
            Trong năm thánh hoá gia đình, Giáo hội mời gọi tất cả mọi người tin hữu, đặc biệt mỗi thành viên của Hội Gia Trưởng đã nhận Ngài làm thánh bổn mạng xét lại việc lao động trong mọi gia đình, vì cuộc đời của từng con người liên kết chặt chẽ với công ăn việc làm của mình. Gia đình có đủ ăn, đủ mặc, gia đình có bảo đảm được vật chất, kinh tế của mình, đời sống tâm linh mới tốt hơn.
Thánh Giuse đã nêu gương cần lao, đã biến gia đình Nagiarét thành trường đào tạo công ăn việc làm với tất cả lòng tin yêu.
Chúa Giêsu cũng đã xuất thân trong gia đình Nagiarét, đã chấp nhận một công việc và làm cho việc lao động tràn đầy ý nghĩa.
Mừng lễ thánh Giuse thợ, chúng ta cầu xin thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp để mọi người, mọi gia đình, đặc biệt mỗi gia đình của thành viên trong Hội Gia Trưởng luôn yêu mến và nêu gương trong công việc của mình, vì những công việc chân chính sẽ giúp cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho mỗi chúng ta. Amen.



Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

TIN MỪNG KHÔNG CHỌN ĐẤT SỐNG

CHÚA NHẬT XV TN A
 (Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-9)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
TIN MỪNG KHÔNG CHỌN ĐẤT SỐNG
Kính thưa cộng đoàn,
Đúng như thế, Tin mừng Chúa Nhật XV hôm nay, cho chúng ta một xác tín chắc chắn rằng: Tin mừng Thiên Chúa gieo vào mảnh đất tâm hồn của mọi người, không lựa chọn riêng ai. Quan trọng chúng ta đón nhận như thế nào để hạt giống Tin mừng sinh hoa kết trái.
Hình ảnh người đi gieo giống trong bài Tin mừng hôm nay, là hình ảnh của của Thiên Chúa gieo Lời Chúa vào tâm hồn chúng ta.
Nếu ai trong chúng ta đã từng làm nghề nông, chắc chắn không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc, tại sao người gieo giống lại có một thái độ lạ kỳ như vậy? Hào phónglạc quan đến lạ kỳ. Một thái độ khác xa hoàn toàn thái độ của một người nhà nông, không bao giờ được phép lãng phí hạt giống và công sức trên những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Nhưng đó là nét đẹp của văn hóa nông nghiệp Do Thái. Chúa Giêsu mượn bối cảnh này để chuyển tải cho chúng ta một xứ điệp tuyệt vời về việc trao ban Lời Chúa cho con người. Một sự trao ban vô vị lợi, vượt lên sức tưởng tượng của con người.
Đúng vậy, hạt giống Lời Chúa không chỉ dành cho những mảnh đất mầu mỡ, nhưng phải được tung vãi khắp nơi, cả bên vệ đường, trên sỏi đá hay giữa bụi gai. Lời Chúa không chỉ nói cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ…nhưng cho mọi người, mọi nơi, từ người khỏe mạnh đến người đau ốm, từ người trẻ đến người già, từ người giàu có đến người nghèo khổ, người tin cũng như người chưa tin, không phân biệt mầu da, ngôn ngữ.
Để hiểu về tấm lòng quảng đại vô vị lợi của Chúa trong việc gieo Lời Chúa vào tâm hồn chúng ta, chúng ta cùng nhau tìm hiểu bối cảnh văn nông nghiệp đất nước Do Thái, từ đó áp dụng vào Lời Chúa.
Khung cảnh địa dư của người Do Thái rất khác với đất nước chúng ta. Ở Do Thái có nhiều đồi núi, vì thế đất canh tác không nhiều, nên người dân Do Thái phải trồng lúa dọc theo những triền đồi, triền núi đầy sỏi đá. Họ nhặt đá, xếp thành bờ ngăn, do đó mép bờ là nơi có nhiều gai mọc. Ở những vùng đất thiếu nước thì gai là loài cây dại phổ biến, vì nó có sức chịu khô lâu nhất. Trên mảnh đất ấy, người ta cũng làm một lối đi nhỏ, vừa để ngăn nước và cũng để đi lại. Khi gieo hạt, để có thể reo kín hạt trên thửa ruộng, họ phải chấp nhận có sự hao hụt khi vung tay reo. Bởi thế! Có hạt giống rơi vào ba loại đất không thể kết trái: vệ đường, sỏi đá và bụi gai.
Chúa Giêsu đã quan sát rất kỹ và tinh tế hình ảnh này. Cho nên, người đã dùng nó để làm dụ ngôn chỉ cho chúng ta về con đường mà hạt giống Tin mừng sẽ được gieo vào lòng người.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này diễn tả hình ảnh Thiên Chúa quảng đại với con người trong việc trao ban ơn cứu độ. Người luôn rộng tay ban phát để hạt giống Lời Chúa được phủ kín thửa ruộng tâm hồn con người. Người đã làm tất cả, đôi khi biết nó không kết trái, nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó Lời Chúa được thấm sâu vào lòng người sẽ được trổ sinh bông hạt.
Bài đọc I hôm nay, cho chúng ta xác tin thêm vào việc Thiên Chúa không chỉ quảng đại reo hạt, nhưng còn quảng đại chăm sóc để hạt giống được nảy mầm tốt tươi, hầu đơm hoa kết trái. Như mưa tuyết từ trời rơi xuống mà không trở về trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm.
Kính thưa cộng đoàn,
Tấm lòng Thiên Chúa quảng đại là như thế, Người reo hạt giống Lời Chúa để mong có ngày nảy sinh hoa trái. Tuy vậy, để cho hạt giống Lời Chúa sinh được hoa trái, cần có sự cộng tác là thái độ đón nhận, là chính thửa đất là tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần có một tấm lòng biết mở rộng đón nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, sống Lời Chúa, thực hành Lời Chúa. Hơn nữa, sẵn sàng nói Chúa cho mọi người.
Vậy, tâm hôn chúng ta đang thuộc về thửa đất nào?
Hạt rơi bên vệ đường, là người nghe mà không hiểu. Đó là những người không chú ý lắng nghe Lời Chúa, họ vô tâm, vô tình, không hiểu, không nhớ.
Hạt rơi trên sỏi đá, là người nghe mà không theo. Là những người không có lặp trường vững chắc, không thực hành và suy niệm Lời Chúa, gặp thử thách, họ bỏ Chúa.
Hạt rơi vào bụi gai, là người nghe rồi tin và theo Chúa, nhưng không thực hành lời Chúa. Là những người quá đam mê trong đời sống hàng ngày. Kinh tế, chức quyền, danh vọng, vui thú…
Hạt rơi vào đất tốt và trổ sinh hoa trái. Là những người nghe Lời Chúa với tấm lòng đơn sơ cao thượng và quảng đại, rồi suy ngẫm Lời Chúa và đem ra thực hành.
Kính thưa cộng đoàn,
Dụ ngôn “Người Gieo Giống” đòi chúng ta phải xét lại thái độ nghe Lời Chúa, đòi ta phải cải tạo lại mảnh đất lòng mình, để tăng thêm sinh lực giúp chúng ta sống Lời Chúa. Lời Thiên Chúa đã phán ra chỉ trở về khi đã đạt được kết quả. Bổn phận của chúng ta là phải nỗ lực làm cho hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, đâm rễ sâu trong tâm hồn, phát sinh những công việc phù hợp với đức tin và đem lại những kết quả tốt đẹp.
Chúng ta cần phải có một thái độ khác hơn để cải thiện mảnh đất tâm hồn mình trước sự quảng đại của Thiên Chúa. Đất Sỏi đá, nơi bụi gai, bên vệ đường vẫn tiếp tục tồn tại bên cạnh mảnh đất tốt của đời người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục quảng đại reo hạt Lời Chúa. Ngài đã không hề thất vọng, nhưng tràn đầy kiên nhẫn và hy vọng.
Vì thế, Năm thánh hóa gia đình là cơ hội rất tốt mà Giáo hội mời gọi ta đến với Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Mỗi buổi tối, chúng ta hãy cố gắng bỏ ra mươi phút để đọc và suy niệm Lời Chúa. Mưa dầm chắc chắn sẽ thâm lấu. Như thế, chỉ cần với tâm lòng chân thành, đơn sơ khiêm tốn, kiên trì, Lời Chúa sẽ sinh hoa kết trái trong chúng ta, trong gia đình, giáo họ và giáo xứ. Từ đó, cuốc sống chúng ta luôn đầy tràn niềm vui, bình an và sự thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Xin Thiên Chúa là Đấng yêu thương quảng đại trao ban Lời Chúa cho chúng con và quảng đại tuôn đổ ân sủng Chúa trên mảnh đất cuộc đời chúng con.
Xin giúp mỗi người chúng con đang hiện diện nơi đây, biết cộng tác với ân sủng, để hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái trên mảnh đất cuộc đời chúng con.
Xin cho mỗi người chúng con trở lên một cuốn Kinh Thánh sống động chứa đựng Lời Hằng Sống, đem lại hạnh phúc muôn đời cho chúng con! Amen.

                                                Sơn Tây, ngày 9 tháng 07 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

CHÚA NHẬT XIV TN A
 (Dc 9, 9-10: Rm 8, 9.11-13: Mt 11, 25-30)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA
Kính thưa cộng đoàn,
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, được đọc lên trong thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm trái tim hết mực yêu thương của Chúa,và học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường. Và hôm nay chúng ta được nghe lại bài Tin mừng này trong Chúa nhật XIV TN năm A. Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm ở một khía cạnh khác, là cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha bài ca chúc tụng ta ơn, vì chúng ta được biết Chúa, được làm con Chúa, được học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường thật. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Đức Giêsu chúc tụng ngợi khen Chúa Cha vì Ngài và Chúa Cha có một mối tương quan sâu xa. Đức Giêsu chúc tụng Chúa Cha, vì Ngài chính là trung gian giữa Chúa Cha và con người. Ngài chúc tụng Chúa Cha thay cho những con người bé mọn, khiêm nhường, đơn sơ và chân thành. Phải trở nên đơn sơ, chân thành, khiêm nhường thật, chúng ta mới có thể nhận biết Ngài.
Vì thế, tìm hiểu về mối tương quan giữa Đức Giêsu và Chúa Cha, giữa chúng ta với Đức Giêsu, là cơ hội tốt để chúng ta biết cất lời ca tụng Chúa đã cho chúng ta được làm con Chúa.
Mối tương quan sâu xa giữa Đức Giê-su và Chúa Cha.
Tại sao Đức Giê-su lại muốn nêu bật mối tương quan giữa Người với Chúa Cha? Thưa, Đức Giê-su muốn giới thiệu (mạc khải) mối tương quan ấy vì: đã có nhiều người Do-thái, cách riêng là nhóm Pha-ri-siêu và các kinh sư cố tình hoài nghi và không tin vào Đức Giê-su đến từ Chúa Cha. Vì thế, Đức Giê-su muốn cho họ biết: Người đến từ Chúa Cha, và Người chính là Thiên Chúa. Người đã được tiên báo trước rằng Ngài sẽ đến, và đến từ đâu, nhưng phải chăng người Do-thái đã quên điều này. Hôm nay tác giả sách Da-ca-ri-a trong bài đọc I đã nhắc lại: Đấng Cứu Thế sẽ đến: “Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa”. Vâng! Đức Vua, Đấng Chính Trực hay Đấng Toàn Thắng, đó chính là Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
Quả vậy, ngay khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đa ban lời hứa sẽ có Đấng Cứu Độ, Ngài không loại bỏ con người, nhưng con người phải chờ đợi, đợi đến thời viên mãn, Thiên Chúa sẽ sai chính Ngôi Hai, Con của Ngài xuống thế làm người để chuộc tội nhân loại. Chính vì thế, khi đến trần gian, Đức Giê-su luôn ý thức rằng: Người đến từ Chúa Cha, nên “Không ai biết rõ Chúa Cha, ngoại trừ người Con”, và “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha”. Vì đến từ Chúa Cha, nên Đức Giê-su mong muốn mạc khải Chúa Cha cho loài người. Do đó, ai muốn biết và gắn bó với Chúa Cha thì người đó phải biết và gắn bó với Đức Giê-su. Nói cách khác, kẻ nào không tin vào Đức Giê-su thì không thể có mối tương quan với Chúa Cha được. Chúng ta hôm nay sẽ giống những người Do-thái xưa, nếu cố tình hoài nghi, hoặc không tin vào Đức Giê-su, thì kết cục, chúng ta không thể nào đến được với Chúa Giêsu, và cũng không thể có được mối tương quan với Thiên Chúa là Cha.
Như vậy, muốn có mối tương quan với Chúa Cha, thì con người phải tin tưởng vào Đức Giê-su và có mối tương quan mật thiết với Người. Nhưng ai có thể đến được với Đức Giê-su và gắn bó với Người?
Thưa là chính chúng ta, những người đang hiện diện ở đây, những người đang đón nhận Chúa với tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường.
Mối tương quan giữa con người với Đức Giêsu.
Đức tin dạy chúng ta, Đức Giê-su đến từ Chúa Cha và được “Chúa Cha trao phó mọi sự cho Người”. Do đó, Đức Giê-su rất muốn mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho hết mọi người, không loại trừ ai. Với mục đích cứu rỗi con người, đưa con người về với Chúa là Cha, và hưởng sự sống đời đời. Vì thế, khi tận mắt chứng kiến những người dân Do Thái hiền lành, đang phải oằn mình mang những gánh nặng nề, là những lề luật bất công của các nhà lãnh đạo tôn giáo Dothái, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương. Người kêu mời họ “Đến với Tôi, và hãy mang lấy ách của Tôi và học cùng Tôi”, “Vì ách của Tôi thì êm ái, và ghánh của Tôi thì nhẹ nhàng” . Mang lấy ách của Đức Giê-su và học cùng Đức Giêsu, có nghĩa là hãy đón nhận các Giáo lý Tin Mừng và tin tưởng vào Đức Giê-su. Tin mừng đó là Tin mừng yêu thương. Chỉ có tình yêu mới giúp ta vượt qua mọi khó khăn vất vả. Ca dao tục ngữ Việt nam đã dạy: “Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Và kinh nghiệm trong đới sống cũng cho chúng ta thấy, cho dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, nều có tình yêu thì sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui tươi và hạnh phúc. Không có tình yêu, thì trở nên một cực hình.
Vậy, con người chỉ có thể có mối tương quan tốt với Đức Giê-su, khi họ tin tưởng và đón nhận Tin Mừng tình thương của Người với lòng đơn sơ khiêm nhường. Còn những người kiêu ngạo, tự cao tự phụ, chắc chắn sẽ không nhận ra được Chúa.
Như thế, con người chỉ có thể tin và gắn bó với Chúa Cha, nếu họ tin và gắn bó với Đức Giê-su. Mà muốn tin và gắn bó với Đức Giê-su, thì họ phải đón nhận và học hiểu Tin mừng của Đức Giêsu với lòng hiền lành và khiêm nhường. Đức Giê-su sẽ “bó tay” trước những con người kiêu căng, tự cho mình là thông thái mà cố tình không chịu tin vào Người.
Kính thưa cộng đoàn,
Sống giữa một thế giới tân tiến và tục hóa hôm nay, con người rất dễ trở nên kiêu ngạo, ích kỷ, khiến đức tin bị lu mờ và xa dần Thiên Chúa. Việc đến với Chúa, tin tưởng và gắn bó với Chúa quả là một thách đố đối với nhiều người, nhất là với các bạn trẻ. Chính vì thế, để có thể tin tưởng vào Đức Giê-su và có mối tương quan với Người, thì mỗi người hãy cố gắng loại bỏ dần tính kiêu căng ra khỏi lòng mình. Hãy học nơi Chúa tấm lòng nhân hậu và khiêm nhường. Chỉ như thế, tâm hồn chúng ta mới thực sự trở nên mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa được nảy nở, phát triển và trổ sinh nhiều bông hạt. Hơn nữa, chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần như trong bài đọc II thư gửi giáo đoàn Rô-ma thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô”.
Năm phúc âm hóa gia đình, Giáo hội mời gọi chúng ta gắn bó với Lời Chúa trong ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Đọc và suy niệm Lời  Chúa trong giờ kinh gia đình, là một cơ hội giúp ta tạo được mối tương quan thân tình với Chúa, Chúa nói với ta, ta nói với Chúa.
Chỉ khi siêng năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa, Lời Chúa mới thấm nhuần nơi tâm hồn mỗi người. Và chỉ khi yêu mến và gắn bó với Lời Chúa, chúng ta mới thực sự gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su. Thật vậy, chính thánh Giê-rô-ni-mô đã khẳng định: “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”. Không biết Chúa chắc chắn không thể nào nói yêu mến Chúa. Không yêu Chúa, chắc chắn chúng ta không thể nói lên lời ca tụng Chúa là Cha chúng ta được.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin cho mỗi người chúng con luôn tin tưởng và có mối tương quan mật thiết với Chúa “như cành cây hợp với thân cây”. A-men.

                                                Sơn Tây, ngày 4 tháng 07 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục



THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU

CHÚA NHẬT XII TN A
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
(Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU


            Kính thưa cộng đoàn,
            Thánh lễ là trung tâm của mọi sinh hoạt trong đời sống Giáo hội, và đỉnh cao của thánh lễ là Bí tích Thánh Thể.
            Hôm nay, Giáo hội long trọng mừng lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa, là bí tích cao trọng nhất, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống người ki-tô hữu. Tối hôm qua, Giáo xứ chúng ta đã cung nghinh Thánh Thể Chúa ra bên ngoài nhà thờ tại giáo họ Sơn Vi, nhằm suy tôn Thánh Thể và khơi dậy trong chúng ta một đức tin sâu sắc, một lòng mến thiết tha nơi Thánh Thể. Thánh Thể Chúa, là kết quả của một tình yêu tự hiến. Thánh Thể là một bí tích của tình yêu trao ban đến quên mình cho người mình yêu. Khi nói tới Thánh Thể Chúa, là nói tới bữa tiệc của sự hiệp thông, bữa tiệc của tình yêu. Là bữa tiệc, vì chính Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể từ một bữa ăn trong đêm ăn mừng lễ Vượt Qua. “Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Hãy cầm lấy mà uống vì là Thịt Thầy, là Máu của Thầy, Là một giao ước vĩnh cửu, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
            Tin mừng hôm nay Chúa khẳng định thật rõ:
            “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
            Kính thưa cộng đoàn,
            Sau khi Đức Giêsu nói những lời này xong, đã gây ra một cuộc tranh luận rất sôi nổi trong dân Do Thái. Thắc mắc của người Do thái chính là việc Đức Giêsu làm thế nào để lấy thịt của Ngài cho họ ăn. Điều này họ chưa hề thấy bao giờ, thậm chí còn chưa hề nghe nói có ai lấy thịt mình cho người khác ăn. Họ thắc mắc bởi họ hiểu lời Chúa nói theo cả hai nghĩa. Nghĩa đen là ăn thịt sống của Chúa Giêsu. Nghĩa bóng là tin vào Chúa và theo Chúa. Còn Chúa Giêsu khi nói ra câu đó, Ngài nhằm nói theo nghĩa nào? Thưa, Chúa nói theo nghĩa đen là ăn thịt Chúa. Đúng vậy, vì nguyên gốc của động từ “ăn” là Trô-gô nghĩa là “nhai”. Khi nhai, phải dùng răng để nhai thứ gì đó. Chúa dùng động từ ăn, là nói lên việc ăn thịt Chúa thật. Động từ này Chúa dùng rất nhiều lần, được nhắc đi nhắc lại rõ ràng, liên tục.
            Chúa tuyên bố dứt khoát: “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống” (Ga 6,55). Không chỉ dừng lại ở điều này, Chúa còn nhấn mạnh hơn: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy ” (Ga 6,52-56).
            Tại sao Chúa lại làm như vậy? Thưa, vì quá yêu chúng ta, vì Chúa muốn ở lại với chúng ta, muốn chúng ta nên một với Chúa, muốn chúng ta được hòa làm một với Chúa, Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa. Như người mẹ quá yêu con, muốn con nên một với mình, quá yêu con nên đã ôm ghì lấy con, khiến con khóc òa lên, nhưng rồi con lơn lên, con tách cha mẹ để sống riêng. Chúa yêu ta hơn cha mẹ, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, để cả hài hòa tan trong nhau. Thật là tuyệt vời, ta được nên một với Chúa.
 Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta xét duyệt lại việc chúng ta đến với bí tích Thánh Thể Chúa như thế nào. Mỗi thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta được mời gọi tới tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Là bữa ăn được Chính Chúa Giêsu thiết lập trong bối cảnh bữa tiệc. Chúa mời gọi chúng ta tới gặp gỡ Ngài để được rước chính Ngài vào ngự trong cung lòng chúng ta, để mỗi chúng ta và Chúa trở nên một với nhau.
Bữa ăn của Chúa giống như bữa ăn trong đời sống sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Chúng ta đến với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ mọi biến cố trong cuốc đời của những người thân, những người hàng xóm, những người trong cùng giáo họ, giáo xứ. Bữa ăn thể hiện sự liên đới với nhau bằng tình huynh đệ, chia sẻ với nhau bằng bữa tiệc vui. Bữa tiệc ấy không hề có sự phân biệt già trẻ lớn bé, không phân biệt giàu nghèo, tất cả đều có một chỗ cho riêng mình.
Cũng thế, đến với bàn tiệc Thánh Thể, tất cả chúng ta được quy tụ xung quanh bàn tiệc của Chúa, chúng ta được nói chuyện với Chúa bằng bàn tiệc Lời Chúa. Chúng ta thân thưa lại với Chúa bằng bài thánh vịnh, bằng những câu đáp tung hô. Và chúng ta được mời gọi tham dự bữa ăn huynh đệ, bữa ăn của Chúa là rước chính Mình và Máu Chúa. Đến với bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta không còn bị phân biệt màu da sắc tộc, lớn bé, giàu nghèo. Tất cả chúng ta đều có quền có một chỗ ngồi để tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Hơn nữa, chúng ta còn được mời gọi tham dự bữa tiệc cách trọn vẹn.
Khi đi tham dự bữa tiệc, chúng ta đến với gia chủ, chỉ tay bắt mặt mừng rồi ra về không ăn uống, gia chủ sẽ rất buồn, buồn vô cùng. Chúa cũng vậy, Chúa đã dọn sẵn cho con cái của Người bữa tiệc thật linh thiêng, sang trọng, bữa tiệc không đơn thuần là nuôi dưỡng phần xác mà là nuôi dưỡng phần linh hồn, làm của ăn đàng đưa chúng ta tới gặp Chúa. Nếu chúng ta không tham dự bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa, Chúa cũng sẽ rất buồn, buồn lắm, và như thế, chúng ta tham dự không trọn vẹn. Bởi thế, chúng ta hãy cố gắng để tham dự cách trọn vẹn bữa tiệc Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta, mỗi khi đi tham dự thánh lễ.
Kính thưa cộng đoàn,
Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được mời gọi hãy xác tín niềm tin vào bàn tiệc của Chúa, là của ăn nuôi dưỡng đời sống chúng ta. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta, Ngài luôn mở rộng bàn tay đón mời chúng ta đến lãnh nhận, để được trở nên một với Chúa, được Chúa nuôi dưỡng và ban cho ta sự sống đời đời bằng Thịt và Máu Chúa. Khi rước lễ, là chúng ta không chỉ được hiệp thông với Chúa mà con được hiệp thông với nhau, với hết mọi người trong gia đình, giáo họ, giáo xứ, vì chúng ta có Chúa trong mình. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể nâng đỡ đức tin của chúng ta, để mỗi người chúng ta trở thành con người yêu mến Thánh Thể, trở thành người Thánh Thể, để mỗi ngày trở nên giống Chúa là Đấng tự hiến chính mình vì yêu chúng ta hơn. Amen.

                                                Sơn Tây, ngày 19 tháng 06 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates