Pages

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

CHÚA NHẬT XIV TN A
 (Dc 9, 9-10: Rm 8, 9.11-13: Mt 11, 25-30)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA
Kính thưa cộng đoàn,
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, được đọc lên trong thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm trái tim hết mực yêu thương của Chúa,và học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường. Và hôm nay chúng ta được nghe lại bài Tin mừng này trong Chúa nhật XIV TN năm A. Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm ở một khía cạnh khác, là cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha bài ca chúc tụng ta ơn, vì chúng ta được biết Chúa, được làm con Chúa, được học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường thật. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Đức Giêsu chúc tụng ngợi khen Chúa Cha vì Ngài và Chúa Cha có một mối tương quan sâu xa. Đức Giêsu chúc tụng Chúa Cha, vì Ngài chính là trung gian giữa Chúa Cha và con người. Ngài chúc tụng Chúa Cha thay cho những con người bé mọn, khiêm nhường, đơn sơ và chân thành. Phải trở nên đơn sơ, chân thành, khiêm nhường thật, chúng ta mới có thể nhận biết Ngài.
Vì thế, tìm hiểu về mối tương quan giữa Đức Giêsu và Chúa Cha, giữa chúng ta với Đức Giêsu, là cơ hội tốt để chúng ta biết cất lời ca tụng Chúa đã cho chúng ta được làm con Chúa.
Mối tương quan sâu xa giữa Đức Giê-su và Chúa Cha.
Tại sao Đức Giê-su lại muốn nêu bật mối tương quan giữa Người với Chúa Cha? Thưa, Đức Giê-su muốn giới thiệu (mạc khải) mối tương quan ấy vì: đã có nhiều người Do-thái, cách riêng là nhóm Pha-ri-siêu và các kinh sư cố tình hoài nghi và không tin vào Đức Giê-su đến từ Chúa Cha. Vì thế, Đức Giê-su muốn cho họ biết: Người đến từ Chúa Cha, và Người chính là Thiên Chúa. Người đã được tiên báo trước rằng Ngài sẽ đến, và đến từ đâu, nhưng phải chăng người Do-thái đã quên điều này. Hôm nay tác giả sách Da-ca-ri-a trong bài đọc I đã nhắc lại: Đấng Cứu Thế sẽ đến: “Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa”. Vâng! Đức Vua, Đấng Chính Trực hay Đấng Toàn Thắng, đó chính là Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
Quả vậy, ngay khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đa ban lời hứa sẽ có Đấng Cứu Độ, Ngài không loại bỏ con người, nhưng con người phải chờ đợi, đợi đến thời viên mãn, Thiên Chúa sẽ sai chính Ngôi Hai, Con của Ngài xuống thế làm người để chuộc tội nhân loại. Chính vì thế, khi đến trần gian, Đức Giê-su luôn ý thức rằng: Người đến từ Chúa Cha, nên “Không ai biết rõ Chúa Cha, ngoại trừ người Con”, và “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha”. Vì đến từ Chúa Cha, nên Đức Giê-su mong muốn mạc khải Chúa Cha cho loài người. Do đó, ai muốn biết và gắn bó với Chúa Cha thì người đó phải biết và gắn bó với Đức Giê-su. Nói cách khác, kẻ nào không tin vào Đức Giê-su thì không thể có mối tương quan với Chúa Cha được. Chúng ta hôm nay sẽ giống những người Do-thái xưa, nếu cố tình hoài nghi, hoặc không tin vào Đức Giê-su, thì kết cục, chúng ta không thể nào đến được với Chúa Giêsu, và cũng không thể có được mối tương quan với Thiên Chúa là Cha.
Như vậy, muốn có mối tương quan với Chúa Cha, thì con người phải tin tưởng vào Đức Giê-su và có mối tương quan mật thiết với Người. Nhưng ai có thể đến được với Đức Giê-su và gắn bó với Người?
Thưa là chính chúng ta, những người đang hiện diện ở đây, những người đang đón nhận Chúa với tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường.
Mối tương quan giữa con người với Đức Giêsu.
Đức tin dạy chúng ta, Đức Giê-su đến từ Chúa Cha và được “Chúa Cha trao phó mọi sự cho Người”. Do đó, Đức Giê-su rất muốn mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho hết mọi người, không loại trừ ai. Với mục đích cứu rỗi con người, đưa con người về với Chúa là Cha, và hưởng sự sống đời đời. Vì thế, khi tận mắt chứng kiến những người dân Do Thái hiền lành, đang phải oằn mình mang những gánh nặng nề, là những lề luật bất công của các nhà lãnh đạo tôn giáo Dothái, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương. Người kêu mời họ “Đến với Tôi, và hãy mang lấy ách của Tôi và học cùng Tôi”, “Vì ách của Tôi thì êm ái, và ghánh của Tôi thì nhẹ nhàng” . Mang lấy ách của Đức Giê-su và học cùng Đức Giêsu, có nghĩa là hãy đón nhận các Giáo lý Tin Mừng và tin tưởng vào Đức Giê-su. Tin mừng đó là Tin mừng yêu thương. Chỉ có tình yêu mới giúp ta vượt qua mọi khó khăn vất vả. Ca dao tục ngữ Việt nam đã dạy: “Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Và kinh nghiệm trong đới sống cũng cho chúng ta thấy, cho dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, nều có tình yêu thì sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui tươi và hạnh phúc. Không có tình yêu, thì trở nên một cực hình.
Vậy, con người chỉ có thể có mối tương quan tốt với Đức Giê-su, khi họ tin tưởng và đón nhận Tin Mừng tình thương của Người với lòng đơn sơ khiêm nhường. Còn những người kiêu ngạo, tự cao tự phụ, chắc chắn sẽ không nhận ra được Chúa.
Như thế, con người chỉ có thể tin và gắn bó với Chúa Cha, nếu họ tin và gắn bó với Đức Giê-su. Mà muốn tin và gắn bó với Đức Giê-su, thì họ phải đón nhận và học hiểu Tin mừng của Đức Giêsu với lòng hiền lành và khiêm nhường. Đức Giê-su sẽ “bó tay” trước những con người kiêu căng, tự cho mình là thông thái mà cố tình không chịu tin vào Người.
Kính thưa cộng đoàn,
Sống giữa một thế giới tân tiến và tục hóa hôm nay, con người rất dễ trở nên kiêu ngạo, ích kỷ, khiến đức tin bị lu mờ và xa dần Thiên Chúa. Việc đến với Chúa, tin tưởng và gắn bó với Chúa quả là một thách đố đối với nhiều người, nhất là với các bạn trẻ. Chính vì thế, để có thể tin tưởng vào Đức Giê-su và có mối tương quan với Người, thì mỗi người hãy cố gắng loại bỏ dần tính kiêu căng ra khỏi lòng mình. Hãy học nơi Chúa tấm lòng nhân hậu và khiêm nhường. Chỉ như thế, tâm hồn chúng ta mới thực sự trở nên mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa được nảy nở, phát triển và trổ sinh nhiều bông hạt. Hơn nữa, chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần như trong bài đọc II thư gửi giáo đoàn Rô-ma thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô”.
Năm phúc âm hóa gia đình, Giáo hội mời gọi chúng ta gắn bó với Lời Chúa trong ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Đọc và suy niệm Lời  Chúa trong giờ kinh gia đình, là một cơ hội giúp ta tạo được mối tương quan thân tình với Chúa, Chúa nói với ta, ta nói với Chúa.
Chỉ khi siêng năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa, Lời Chúa mới thấm nhuần nơi tâm hồn mỗi người. Và chỉ khi yêu mến và gắn bó với Lời Chúa, chúng ta mới thực sự gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su. Thật vậy, chính thánh Giê-rô-ni-mô đã khẳng định: “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”. Không biết Chúa chắc chắn không thể nào nói yêu mến Chúa. Không yêu Chúa, chắc chắn chúng ta không thể nói lên lời ca tụng Chúa là Cha chúng ta được.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin cho mỗi người chúng con luôn tin tưởng và có mối tương quan mật thiết với Chúa “như cành cây hợp với thân cây”. A-men.

                                                Sơn Tây, ngày 4 tháng 07 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates