Pages

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

LỄ THÁNH GIUSE THỢ

LỄ THÁNH GIUSE THỢ
(St 1,26-2,3; Cl 3,14-15.17.23-24; Mt 13,54-58)

          Kính thưa cộng đoàn, cách riêng Quý thành viên hội Gia Trưởng giáo họ Tiên Cát,
          Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ Thánh Giuse Thợ, là ngày Quốc tế lao động trên toàn thế giới, cũng là bổn mạng của Hội Gia Trưởng giáo họ Tiên Cát chúng ta. Nhân ngày lễ này, con xin được cùng với quý cộng đoàn, nhìn lại giá trị của lao động và mẫu gương lao động của thánh Giuse, từ đó, chúng ta đưa ra bài học theo gương sống của thánh nhân và cảm mến chân giá trị của đời sống lao động.
Đời sống lao động luôn gắn liền với con người: người ta có thể làm việc chân tay và có người dùng tới trí óc. Tất cả đều là lao động. Chắc chắn lao động nào cũng phải đổ mồ hôi, cũng phải vất vả. Tại sao lại như vậy? đây có phải là nguyên nhân mà chúng ta tự nhủ và truyền tai nhau là do hậu quả của tội nguyện tổ không?
Quan điểm ki-tô giáo về lao động: Thánh Kinh nói gì? Kinh thánh khẳng định: lao động không phải là một hình phạt do tội, nhưng là điều kiện bình thường của con người. Vì trước khi con người sa ngã, “Thiên Chúa đã đặt con người trong vườn Eđen để canh tác và giữ vườn” (St 2, 15), để con người được cộng tác và hòa hợp vào ý muốn của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn thấp nhập lao động vào chương trình của Người sau khi tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (1, 28).
          Đây là một dữ kiện nền tảng của đời sống con người vì lao động gắn chặt đời sống con người, nên khi nguyên tổ sa ngã phạm tội, lao động đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi tội: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3, 19).
Tại sao vậy, chúng ta phải hiểu thế nào, thưa, ta cần hiểu cho đúng. Đối tượng lời chúc dữ của Thiên Chúa không phải là lao động cũng như không phải là chính việc sinh nở của phụ nữ. Việc sinh nở là một chiến thắng đớn đau của sự sống trên cái chết, thì lao động đổ mồ hôi hằng ngày của con người đánh dấu việc thể hiện quyền bính mà Thiên Chúa đã ban cho con người.
Tại sao chúng ta thấy lao động là một nỗi khổ, là một hình phạt, thưa là vì trong con người chúng ta có sự thay đổi về đời sống nội tâm sau khi phạm tội, chúng ta đã nhìn thế giới, nhìn lao động bằng một cặp mắt khác.
          Trong cuộc sống hằng ngày, nơi các công trình xây dựng, hay đâu đó nơi các biển hiệu quảng bá, vẫn nhắc nhớ chúng ta rằng: Lao động là vinh quang. 
Vậy là người kitô hữu, chúng ta phải có được quan niệm về lao động với ý nghĩa cao cả như thế.
Phải đề cao lao động, Tại sao? Thưa bởi vì Đức Giêsu không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống của Người. “Cha Tôi hằng làm việc, Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Những người đồng hương với Đức Giêsu đã không lầm khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13, 35), là “ông thợ mộc” (Mc 6, 3). Và Người đã sống nghề lao động trong suốt 30 năm trời tại Nadarét.
          Đức Giêsu lao động, Ngài đem lại ý nghĩa gì cho niềm tin chúng ta? Thưa, Đức Giêsu lao động là muốn nói lên rằng: lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ Ngài đảm nhận thân phận con người cũng chỉ vì điều này, bởi “cái gì không được đảm nhận thì không được cứu độ” (Thánh Irênê). Cho nên phải nói rằng, với Đức Giêsu, 30 năm lao động âm thầm, Đức Giêsu chẳng những đã thánh hoá công việc, nhưng còn biến nó thành một phương tiện cứu độ khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Cho nên, lao động là thành phần của mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô, nếu không thì những năm tháng tại Nadarét chẳng có một ý nghĩa nào khác ngoài việc Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo?
          Lao động quả thật  phải được đề cao. Tuy nhiên, Đức Giêsu dạy ta không được dừng lại ở đó. Lao động chỉ là một giá trị trong bậc thang các giá trị mà thôi.
          “Hãy lao động đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6, 27). Đây phải là châm ngôn sống của người kitô hữu.
          Người thực hiện châm ngôn sống rất hoàn hảo này trước tiên là Thánh Giuse. Ngài chắc hẳn là người đã sống ý nghĩa của lao động trong chính cuộc đời sống trần thế của ngài. Ngài là một mẫu gương lao động cần cù.
Đứng đầu gia đình thánh tại Nagiarét, thánh Giuse đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi Nagiarét, thánh Giuse đã phục vụ hết mình: mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp.
Chúa Giêsu trong gia đình thánh nagiarét đã học nơi thánh Giuse sự cần mẫn lao động. Học nơi Mẹ Maria sự kiên nhẫn, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người.
Khởi đi từ gia đình Nagiarét, người Kitô hữu trên khắp thế giới cũng được mời gọi yêu mến lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều được gọi mời gắn liền với thánh cả Giuse, quan thầy và là Đấng bảo trợ của giới lao động. Trong một thế giới đan xen ánh sáng và bóng tối, trong một thế giới văn minh tuyệt đỉnh, lao động dù trí óc, chân tay hay kỹ thuật máy móc điện tử vẫn luôn cần thiết. Sự im lặng: nói ít, làm với hết khả năng, với óc sáng tạo luôn được đề cao, trân trọng. Thánh Giuse đã im lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Thánh Giuse đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm: làm việc với đức tin, với lòng yêu mến.
            Trong năm thánh hoá gia đình, Giáo hội mời gọi tất cả mọi người tin hữu, đặc biệt mỗi thành viên của Hội Gia Trưởng đã nhận Ngài làm thánh bổn mạng xét lại việc lao động trong mọi gia đình, vì cuộc đời của từng con người liên kết chặt chẽ với công ăn việc làm của mình. Gia đình có đủ ăn, đủ mặc, gia đình có bảo đảm được vật chất, kinh tế của mình, đời sống tâm linh mới tốt hơn.
Thánh Giuse đã nêu gương cần lao, đã biến gia đình Nagiarét thành trường đào tạo công ăn việc làm với tất cả lòng tin yêu.
Chúa Giêsu cũng đã xuất thân trong gia đình Nagiarét, đã chấp nhận một công việc và làm cho việc lao động tràn đầy ý nghĩa.
Mừng lễ thánh Giuse thợ, chúng ta cầu xin thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp để mọi người, mọi gia đình, đặc biệt mỗi gia đình của thành viên trong Hội Gia Trưởng luôn yêu mến và nêu gương trong công việc của mình, vì những công việc chân chính sẽ giúp cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho mỗi chúng ta. Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates