Pages

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

LUẬT YÊU THƯƠNG

CHÚA NHẬT VII TN A
(Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
LUẬT YÊU THƯƠNG

            Kính thưa cộng đoàn,
            Lời Chúa hôm nay được tiếp nối Chúa nhật trước, đề cập đến luật yêu thương. Chúa tiếp tục kiện toàn lề luật cũ, và nâng luật báo oán lên thành luật yêu thương. Luật đem lại sự sống và hạnh phúc cho con người phải là luật của tình yêu. Sách Baruc đã dạy rằng: “Ai gắn bó với Lề Luật thì sẽ được sống, còn ai lìa bỏ ắt sẽ phải chết ” (Br 4,1).
            Kinh thưa cộng đoàn, một điều chắc chắn rằng, mọi người sống trên trái đất này, không ai tự cho mình là người sống ngoài luật. Đặc biệt càng ở nơi tập thể, thì luật càng được thể hiện rõ ràng. Từ gia đình, trường học, công sở, một tập đoàn, một đất nước, hay một thể chế…tất cả phải có luật, vì luật nhằm đem hạnh phúc cho con người trong trật tự, ổn định. Một điều chắc chắn để chúng ta sống và giữ luật đó là luật vì con người, luật đem lại cho con người sự sống. Nếu luật đó không phục vụ cho con người, thì luật đó sẽ phải hủy bỏ, không còn giá trị nữa.
            Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài đã đến, đã thổi vào bộ luật nhân sinh một luồng sinh khí mới, đó là Luật Yêu Thương, Luật của Tình Yêu.
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Lời dạy của Đức Giêsu hôm nay, chắc chắn sẽ gây nhiều thắc mắc và có nhiều câu hỏi chúng ta đặt ra. Làm sao có thể yêu kẻ thù mình được, làm sao có thể cầu nguyện cho họ? Thật khó phải không? Quả thực đây là một vấn đề rất khó, vì từ cổ chí kim, từ đông sang tây, hay trong mọi tôn giáo khác, chỉ duy nhất đạo Ki-tô giáo dạy người tín hữu phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Điều này khó nhưng không phải không làm được. Mẫu gương Chúa Giêsu là một  minh chứng cho ta. Ngài đến không chỉ dạy chúng ta phải tha thứ cho những kẻ chống đối, phỉ báng, nhục mạ và giết mình, mà Ngài còn sống và thực hành lời dạy đó. Trên thập giá, Ngài đã thốt ra lời thật tuyệt vời, thật cao đẹp khi đang quằn quại chiến đấu với cơn hấp hối: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ”. Và nghĩa cử hào hiệp nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu trước khi tắt thở, chính là việc Người biện hộ cho nhưng kẻ hành hạ mình: “Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Tấm gương cao đẹp đó, thật đáng cho con người học và noi theo. Đã có rất nhiều người sống và làm theo hầu mong được nên giống Ngài, đặc biệt là các vị thánh tử đạo. Còn chúng ta thì sao, chúng ta cũng sẽ làm được, nếu chúng ta có một tình yêu gắn kết với Chúa thực sự.
            Xin được kể một câu chuyện của một vị vua bên Trung Quốc, phần nào giúp chúng ta hiểu và sống, đồng thời xác tín vào khả năng của mình cũng làm được như thế:
Một vị vua của Trung Quốc nói với triều đình của mình rằng: “Khi nào ta chinh phục đất nuớc ấy, ta sẽ tiêu diệt hết kẻ thù”. 
Chẳng bao lâu sau, ông đã toàn thắng trở về. Công thần của ông đều chờ đợi một cuộc thảm sát đẫm máu. Họ mong cho kẻ thù phải bị phanh thây không còn một tên sống sót. Nhưng họ lại vô cùng sửng sốt khi thấy kẻ thù ngồi ăn uống với nhà vua, cười cười nói nói vui vẻ như kẻ thắng trận: Họ liền tâu nhà vua:
Muôn tâu Thánh Thượng, trước khi xuất quân lâm trận, ngài đã tuyên bố là sẽ tiêu diệt kẻ thù cơ mà? Sao bây giờ ...?
Hoàng đế ôn tồn cười nói: "Không phải ta đã tiêu diệt hết kẻ thù rồi sao. Những người ngồi đây không phải là bạn hữu của chúng ta sao?”
Hay Tổng thống Mỹ, ông Abraham Lincoln cũng đã có một câu trong bài phát biêu của mình rất nổi tiếng, nói lên sức mạnh của tình yêu như sau: “Biến thù thành bạn, phải chăng đã tiêu diệt được kẻ thù rồi?”
Kinh thưa công đoàn,
Nếu ngày nào loài người chưa nhận biết Tin mừng của Chúa, Lời Chúa chưa ăn sâu vào trong lòng mỗi người, thì ngày đó, sự trả thù vẫn còn lan tràn trong đời sống. Hận thù, báo oán chỉ đem lại cho con người đau khổ, nước mắt và bất hạnh. Chúa đến, Chúa nối kết điều đó bằng một tình yêu tha thứ, tình yêu đó muốn chúng ta phải yêu kẻ thù như chính mình, và không ngừng cầu nguyện cho họ. Chúng ta phải làm thế nào đây để có thể yêu thương kẻ thù?
Xin đưa ra ba ý để chúng ta cùng suy nghĩ và lấy làm bài học cho mình trong con đường theo Chúa:
Trước tiên, chúng ta hãy học cho biết tha thứ. Không biết tha thứ thì không thể yêu thương. Dụ ngôn người cha nhân hậu cho chúng ta biết, người cha đã sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho đứa con thứ, ông mới có thể ôm hôn người con vào lòng, đeo nhẫn, xỏ giày, mặc áo mới, giết bê béo ăn mừng.
Tha thứ là tháo gỡ rào cản, phá đổ bức tường ngăn cách. Tha thứ là cất đi gánh nặng, là xóa bỏ hận thù, xóa bỏ món nợ đời. Tha thứ là hòa giải, là gặp lại nhau, là thiết lập quan hệ mới. Tha thứ là điều rất cần thiết cho một khởi đầu mới.
Tha thứ là phá bỏ cánh cửa ích kỉ, lạnh nhạt, khép kính và mở toang cánh cửa lòng mình ra cho nắng ấm của tình yêu tràn ngập tâm hồn. Tha thứ chính là thước đo cho tình yêu với kẻ thù.
Tiếp đến, chúng ta hãy xác tín một điều rằng, không ai hoàn toàn xấu, ngay cả kẻ thù cũng không hoàn toàn xấu. Trong con người, người xấu nhất vẫn có cái tốt và nơi người tốt nhất vẫn có cái chưa thật tốt. Chính thánh Phaolô cũng phải thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không nuốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Hãy mang trong mình sự xác tín nơi kẻ thù có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cũng chính là hình ảnh được Thiên Chúa tạo dựng nên. Chỉ vì trong cuộc sống do sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, nghèo túng....nên phát xuất và nảy sinh ra những điều khiến họ trở thành kẻ thù của ta. Vì những yếu đuối, bất toàn và khiếm khuyết ấy cho nên, họ đang rất cần được Thiên Chúa cứu chuộc và mong chờ chúng ta yêu thương.
 Cuối cùng, chúng ta đừng nuôi sự giận hờn mà đợi thời cơ báo oán, đừng tìm cơ hội trả đũa, làm nhục kẻ thù hay thẳng tay tiêu diệt họ. Trái lại mọi lời nói, cử chỉ, hành vi của chúng ta nên tỏ ra thân thiện, dễ gần gũi, để gia tăng sự hiểu biết và cảm thông với kẻ thù, để khai mở thiện chí hoán cải trong họ. Một tấm lòng bao dung bao giờ cũng gói trọn con tim vô cùng độ lượng. Chính tấm lòng bao dung, quảng đại như thế sẽ dẫn chúng ta đến với tình yêu chân thành, một tình yêu tràn đầy, không chờ đợi điều gì cho mình, một tình yêu được tác động từ Thiên Chúa.
Kính thưa cộng đoàn,
Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ, là chúng ta đang ngày càng trở nên giống Chúa. Chúng ta gớm ghét và ghê tởm việc họ làm, chứ đừng ghét con người của họ. Chỉ như thế là chúng ta đang dấn thân vào đi sâu vào đời sống tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu chuộc, vị tha, và mờ gọi con người nên anh em với nhau. Chỉ với tình yêu đó, chúng ta mới “Trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,48).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết rằng: Lấy oán báo oán sẽ làm tăng thêm hận thù, chỉ có tình yêu tha thứ mới có khả năng biến thù thành bạn. Xin cho chúng con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi làm công việc khó khăn này là: hãy yêu kẻ thù  và cầu nguyện cho họ. Xin cho chúng con luôn luôn nghe đuợc lời bao dung của Chúa: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ...” (Lc 23,34) Amen.
                                                Sơn Tây, ngày 20 tháng 02 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates