Pages

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

CHÚA NHẬT XI TN A
LỄ CHÚA BA NGÔI
(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3, 16-18)
                                                                                                                                      

Phêrô Trần Văn Hương
           
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

            Kính thưa cộng đoàn,
            Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi; là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi nói về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ba Ngôi là Một Chúa chắc chắn chúng ta ai cũng biết đây là một mầu nhiệm cao trọng, một mầu nhiệm trung tâm, một mầu nhiệm nền tảng của đạo Công giáo. Là trung tâm, là nền tảng bởi tất cả các mầu nhiệm khác đều được phát xuất từ mầu nhiệm này hoặc chỉ có thể hiểu được các mầu nhiệm khác là nhờ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm rất khó hiểu, và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Với sự giới hạn của lý trí con người, chúng ta chỉ có thể hiểu được phần nào qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giới loài người. Và chúng ta dùng kiểu nói nào để diễn tả thì cũng chỉ là tương đối, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được những điều vô hạn. Ngay chữ "tình yêu” chúng ta thường nói mà chúng ta cũng không hiểu và diễn tả hết được, vì mọi trái tim có lý lẽ riêng của nó, như có người đã nói: "Đố ai định nghĩa được tình yêu”, như thế làm sao nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi được.
            Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này:  Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, thánh Augustinô đã tìm về với đạo Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa không ngừng bằng con đường lý trí. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau:
           Thánh Augustinô thuộc khuynh hướng  của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển để tìm hiểu về tại sao Một Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi lại là Một Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Em bé dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào.
           Nhưng dã tràng xe cát Biển đông, em bé cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi em đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự :
          - Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước biển đại dương.
          Thánh nhân lắc đầu bảo nó :
          - Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.
          Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :
          - Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn việc ông muồn hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi.
          Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Câu trả lời của cậu bé là bài học cho chính thánh Augustino và cho chính mỗi người cúng ta khi dám cậy dựa sức riêng loài người để tìm hiểu cho thấu đáo về Thiên Chúa.
            Đúng như thế, ngay trong đời sống thường ngày, những thứ có ở ngay trước mặt, hiện hình cụ thể xung quanh chúng ta, chúng ta cũng không thể hiểu và biết hết được, huống chí là những thứ thuộc về thế giới thần thiêng, hữu hình. Khi nói về Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô thủy vô chung, phép tác vô cùng. Chúng ta sẽ không thể hiểu được bởi trí khôn chúng ta có giới hạn. Nếu chúng ta cứ cố gắng với sức riêng mình để tìm, chắc chắn chúng ta như những người sáng mắt đi trong bóng đêm mà không có ánh sáng chiếu soi. Chúng ta sẽ lầm đường lạc lối, chúng ta sẽ gặp một Thiên Chúa hoàn toàn khác, không phải là Một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi là Một Chúa, một Thiên Chúa của Tình Yêu.
Khi nói về những điều trước mắt mà con người không biết, không hiểu được, cha ông chúng ta ngày xưa đã thách: “Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông khô, tất sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên”. Hay như ca dạo tục ngữ có câu: “Dò sông dò biển dễ dò,Nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
            Chúng ta phải làm sao đây? Và con đường nào giúp ta hiểu và gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Thưa, Con đường duy nhất, dễ nhất giúp chúng ta hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi là con đường Tình Yêu. Vì bản chất Thiên Chúa Ba Ngôi là TÌNH YÊU, nên chúng ta phải đi vào trong con đường đó chúng ta mới có thể gặp được Ngài, hiểu được Ngài, đón nhận được Ngài.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Con đường tình yêu được tỏ lộ rất rõ nét trong các bài đọc Thánh lễ hôm nay, đặc biệt là bài Tin Mừng.
            Bài Tin Mừng Thiên Chúa tỏ ra là Ngài là Tình Yêu, vì yêu nên Ngài đã ban chính Người Con duy nhất của mình cho trần gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Điều này buộc mọi người phải tin vào Con Thiên Chúa, vì ai không tin thì sẽ bị lên án.
            Vâng, cũng vì yêu, và vì tìn vào tình yêu Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, nên hôm nay chúng ta cùng với Giáo họ Việt Trì thay mặt Giáo phận để thể hiện tình yêu đó qua các giờ Chầu Thánh Thể.
Quỳ trước Thánh Thể, chúng ta nhận ra một tình yêu vô hạn, một tình yêu vô vị lợi mà Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta. Nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhận ra dấu chỉ của Tình Yêu. Bởi thế, Bí tích Thánh Thể được gọi là Bí Tích của Tình Yêu. Nơi Bí Tích Tình Yêu, chúng ta nhận thấy Chúa Cha đã hy sinh cả người Con duy nhất của mình xuống trần gian, đón nhận cái chết vì yêu chúng ta, và ở lại với chúng ta trong Bí Tích nhiệm mầu này cho đến ngày tận thế.
            Vâng, chỉ có tình yêu mới làm được như thế, chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta nhận ra được Thiên Chúa Ba Ngôi đang ở trong đời sống chúng ta, chỉ có tình yêu mới giúp ta cảm nhận, thấu hiểu và xác tín niềm tin vào mầu nhiệm cao cả này.
            Đứng trước tình yêu cao cả vô vị lợi của Thiên Chúa là Cha nhân lành, chúng ta phải làm gì đây? Có phải chúng ta chỉ dừng lại ở việc tôn vinh Thiên Chúa không? Có phải chúng ta chỉ chiêm ngắm Ngài trong nhà chầu, trên bàn thờ không? Không, chúng ta phải đưa tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta, vì Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu mức cho đời sống chúng ta. Vậy, từ việc chiếm ngắm về tình yêu cao cả của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài muốn dạy chúng ta về một tình yêu trao ban. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời” (Ga 3,16). Tình yêu phải được thể hiện ở sự cho đi, phải được lan tỏa sang người khác. Tình yêu sẽ bắt nguồn từ nơi mỗi chúng ta và sẽ kết thúc nơi người khác. Tình yêu đó được chính Đức Giêsu khẳng định: “Ai thấy Tôi là Thấy Chúa Cha. Tôi và Cha Tôi là một. Mọi sự của Cha đều là của Con”. Tình yêu đã làm Ba Ngôi nên một trong Thiên Chúa.           
            Yêu là cho đi, là kết hợp trọn vẹn nên  một. Cho đi tất cả, yêu thương tất cả.
            Nếu mỗi người chúng ta không biết yêu thương là chúng ta không biết Thiên Chúa. Chúng ta hoàn toàn sống xa lạ với Thiên Chúa. “Nếu ai nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em mình thì là kẻ nói dối”.
            Ngày hôm nay, trong các gia đình đang thiếu vắng đi tình yêu trao ban giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, những người trong cùng một khu phố với nhau. Hầu như mọi thứ tình yêu đều bị giới hạn vào công việc làm ăn, vào các mối quan hệ kinh tế thị trường. Chúng ta đã trở nên vô cảm trong tình yêu.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc nhớ chúng ta về một tình yêu đích thực, là một tình yêu cho đi, một tình yêu dám hy sinh cả tính mạng mình cho người mình yêu. Một tình yêu vô vị lợi.
            Noi theo mẫu gương của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy xin Thiên Chúa là tình yêu, nhắc nhớ ta mỗi khi ta làm dấu thánh giá tuyên xưng niềm tin mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ban cho chúng ta biết sống và  noi gương Chúa Ba Ngôi trong sự chia sẻ tình thương, trong sự liên kết mật thiết với các thành viên trong gia đình, giáo họ và giáo xứ, để mỗi ngày, đời sống chúng ta nên trọn vẹn trong Chúa Ba Ngôi. Amen.      
                    
                                   


                                                Sơn Tây, ngày 12 tháng 06 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates