Pages

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3, 13-17)


Phêrô Trần Văn Hương

Kính thưa cộng đoàn,
Tuần trước, chúng ta đã mừng kỷ niệm lễ Chúa hiển linh, là lễ Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, đặc biệt là những người ngoại. Chúa nhật tuần này, Giáo hội cho ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, cũng là ngày cuối cùng của mùa Giáng sinh, đồng thời bắt đầu “mùa” thường niên.
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm và chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa nhập thể làm người, mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Sau ngày hôm nay, chúng ta sẽ bước vào mùa Thường niên, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Đánh dấu cho bước khởi đầu của cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã đến sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa từ Gioan Tẩy giả.
            Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, cũng là biến cố Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Ngài cho biết Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần.
            Trước hết, Thiên Chúa cho ta biết Ngài là Cha. Tin mừng kể lại cho ta biết, Thiên Chúa Cha xuất hiện cho mọi người biết qua tiếng nói, khi Ngài tuyên bố nhận Đức Giêsu là Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
            Tiếp đến, Ngài cho ta biết về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình ảnh chim bồ câu ngự trên Đức Giêsu: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3,16).
            Cuối cùng, Ngài cho ta biết về Chúa Con. Trong suốt những ngày vừa qua, chúng ta mừng kỷ niệm biến cố Thiên Chúa sai Con mình là Đức Giêsu, xuống thế làm người, sinh làm con một người phụ nữ. Ngài là người thật, một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta. Ngài có quê hương rõ ràng, dùng tiếng nói của con người. Ngài là người đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42,1). Ngài cũng là người mà một lần nữa trong sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, được thánh Phao-lô xác mình lại một cách rõ ràng hơn nữa: “Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Cụ thể hơn nữa, hôm nay, chính Ngài đã đến sông Gio-đan để xin Gioan làm phép rửa, để bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình. Hôm nay, Ngài được chính Thiên Chúa Cha xác nhận, giới thiệu và kêu gọi mọi người hãy vâng nghe lời Đức Giêsu, được Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên ngài.
            Kính thưa cộng đoàn,
            Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Giáo hội mời gọi chúng ta sống và chiêm ngắm mầu nhiệm hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha và Con và Thánh Thần. Đặc biệt là chiêm ngắm sự khiêm nhường tự hạ (mình) của Thiên Chúa Ngôi Hai. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng đã mặc lấy cách sống khiêm tốn, nghèo hơn và đơn sơ của con người. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng đã chấp nhận sinh ra trong hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận con người. Ngài là Thiên Chúa cao cả vô cùng, đã chấp nhận sinh ra trong một gia đình trong thôn quê nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa Chí Thánh, nhưng đã chấp nhận để cho Gioan Tẩy giả làm phép rửa như một con người tội lỗi.
 Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ cam kết ngày chúng ta được lãnh nhận phép rửa. Chắc cộng đoàn thắc mắc, phép rửa của thánh Gioan tẩy giả giống hay khác phép rửa của Đức Giêsu ?
            Điều này chính thánh Gioan tẩy giả đã xác nhận: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Phép rửa của thánh Gio-an tẩy giả chỉ nhằm nhắc nhở và thúc giục chúng ta ăn năn sám hối, cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh hóa. Còn phép rửa của Chúa Giê-su vừa có khả năng tha tội, vừa trao ban Chúa Thánh Thần. Mặc dù chúng ta cũng được rửa bằng nước, nhưng nước chỉ là dấu chỉ bề ngoài và là điều kiện cần, còn thực sự là được rửa bằng lửa. Lửa ám chỉ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, biến đổi con người tội lỗi trở nên con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp trên trời với Chúa.
            Khi được lãnh nhận phép rửa, là chúng ta lãnh nhận sứ vụ Chúa trao ban là cộng tác với Ngài trong vai trò Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Đế. Mỗi chúng ta hãy thành thật nhìn lại xem lời cam kết trong ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa, chúng ta đã thực thi như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, trong môi trường chúng ta sống.
Khi lãnh nhân phép rửa, Chúa Giêsu cho ta được làm con của Thiên Chúa. Chúng ta có ý thức để sống xứng đáng với tước hiệu cao quý này, để luôn là những người con yêu dấu của Thiên Chúa không?



                                                 Sơn Tây, ngày 9 tháng 01 năm 2014

                                                     Xét duyệt của Đức Giám Mục
                                                                     
                                                                         đã xem
                                                + Anphong Nguyễn Hữu Long


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates